Nộp ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỉ đồng

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đóng góp ý kiến.

Bộ Công an cho biết, ngày 3/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 03/5/2020), qua hơn 7 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng xác minh tình tiết của vụ vi phạm, trên cơ sở đó làm căn cứ quyết định xử lý công minh, triệt để, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quyết định xử lý vi phạm hành chính. 

Theo số liệu thống kê trong hơn 7 năm, từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ, tịch thu 17.460.000 tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong đó, đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỉ đồng (bao gồm số tiền là tang vật, phương tiện vi phạm và số tiền thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể như chưa quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh cần được mở rộng để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ; về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh cũng cần được quy định cụ thể hơn nữa để thuận tiện áp dụng. 

Cùng với đó, một số vấn đề thực tiễn đặt ra khi cho phép tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cũng cần được hoàn thiện hơn như khi đến thời hạn chấp hành quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không đến giải quyết thì số tiền đặt bảo lãnh được xử lý theo trình tự, thủ tục như thế nào hoặc khi nào thì xác định trường hợp được đặt tiền bảo lãnh đã chấp hành xong quyết định xử phạt; thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp đã hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận còn dài và phải mất nhiều lần gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xử lý.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận lại thì cần có quy định xử lý theo hướng rút gọn thủ tục bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả… Những hạn chế, bất cập nêu trên đã gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng như chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, theo đó một số các quy định về tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế hiện nay, như: Bổ sung quy định về quản lý, bảo quản đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; bổ sung trách nhiệm quản lý, bảo quản của người lập biên bản tạm giữ...

leftcenterrightdel
 Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn. (Ảnh minh hoạ)

Do đó, theo Bộ Công an, để bảo đảm cho việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để thay thế Nghị định số 115/2013/NĐ-CP là cần thiết.

Nghiêm cấm cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính gồm 3 Chương, 19 điều. Cụ thể, Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Quy định về quản lý, bảo quản tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; Chương 3: Điều khoản thi hành.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định về chế độ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, các loại động vật, thực vật, hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, vật thuộc loại cấm lưu hành và các loại tài sản đặc biệt khác không áp dụng Nghị định này, mà áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, dự thảo Nghị định quy định: Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian.

Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.

Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, đó là hành vi chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ và các hành vi trục lợi khác.

Vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; mang tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ ra khỏi nơi tạm giữ, bảo quản trái phép.

Làm mất, thiếu hụt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

P.V