Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Duy Giảng,  Nguyễn Quang Dũng, Hồ Đức Anh, Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng VKSQS Trung ương.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội luật gia Việt Nam; đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Tô Quang Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ban Nội chính Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; TAND tối cao; Bộ Tài chính; Bộ Công thương…

Các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, việc bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công là yêu cầu tất yếu của Nhà nước dân chủ tiến bộ, thể hiện chức năng, vai trò của Nhà nước đối với xã hội, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền tảng văn hóa của một đất nước.

Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong công cuộc cách mạng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội".

Đồng thời, để tăng cường cơ chế bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân... Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện".

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Hội nghị. 

Cũng theo đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, trong Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã giao nhiệm vụ chính trị cho Ban cán sự đảng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án: “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện".

Quá trình nghiên cứu và xây dựng Đề án thấy rằng, ở Việt Nam, việc bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự thuộc trách nhiệm của nhiều chủ thể trong hệ thống chính trị. Hiện nay, theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, khi xảy ra vi phạm trong lĩnh vực gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và lợi ích của người yếu thế thì các quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, nhà nước trong các lĩnh vực này hoặc cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị. 

Qua thực tiễn thi hành các quy định nêu trên của BLTTDS năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ động thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước theo quy định của pháp luật và đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thực tế hiện nay đã và đang xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa có chủ thể nào được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu và khởi kiện. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do pháp luật chưa quy định cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.

Về vấn đề lợi ích công, trong thời gian qua, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có VKSND đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng và đã có kiến nghị đề nghị khắc phục hoặc kiến nghị phòng ngừa. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như: môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm, kinh tế, tài chính, y tế, giáo dục....chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, nghiên cứu một số quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Cuba,... đặc biệt là VKSND Trung Quốc có quyền khởi kiện vụ việc dân sự và tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của những cá nhân không có khả năng tự thực hiện quyền dân sự hoặc không thể tự bảo vệ mình.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu tham luận. 

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, đặc biệt, gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí..." để bổ sung cơ chế ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm để bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế, nhất là cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế để phát hiện kịp thời và phòng ngừa từ sớm, từ xa các vi phạm xâm phạm lợi ích công cộng, tránh gây thất thoát, lãng phí mà phải xử lý hình sự.

"Do đó, chúng tôi đã nhận thức việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Trung ương tin tưởng giao cho nên luôn đề cao trách nhiệm, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án, bảo đảm tuân thủ các quy trình, trong đó đã khảo sát, lấy ý kiến 8 tỉnh ủy, thành ủy địa phương. Giai đoạn 1, đã khảo sát lấy ý kiến về Đề cương chi tiết tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang. Giai đoạn 2, VKSND tối cao khảo sát lấy ý kiến về dự thảo Đề án tại: Thanh Hóa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa. Kết quả lấy ý kiến tại các cuộc khảo sát đánh giá cao và tán thành về sự cần thiết, nội dung Đề án và bổ sung nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện Đề án. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Đề án gửi các cơ quan trung ương và các bộ, ngành có liên quan", Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. 

Vũ Phương