leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Chương trình.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội dự và chủ trì Chương trình.

Tham dự Chương trình có bà Elisa Fernadez, Trưởng đại diện Tổ chức UN Women tại Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách Cơ quan phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Tham dự Chương trình còn có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, Bộ Tư pháp; đại diện các tổ chức quốc tế; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức phi chính phủ trong nước; đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND một số địa phương như: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… cùng tập thể Ban giám hiệu, trưởng các khoa phòng, các thầy cô giáo và các học viên, sinh viên thuộc Nhà trường.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao phát biểu khai mạc Chương trình.

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, chuyên gia đã có mặt để tham dự Chương trình. Điều này thể hiện sự quan tâm của các đại biểu đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết loại án này nói riêng, công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong thực thi pháp luật nói chung.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình.

Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cảm ơn UNODC, UN Women cùng toàn thể các đại biểu vì những đóng góp tích cực trong việc cùng ngành Kiểm sát nhân dân bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên hành trình đi tìm công lý. Đồng thời bày tỏ hi vọng thông qua Chương trình này, mỗi người sẽ có thêm kiến thức và kỹ năng về nhạy cảm giới khi thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như bảo vệ họ trong cuộc sống thường ngày.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, bắt nguồn từ chiến dịch "Ruy băng trắng" ở Canada tưởng niệm 14 cô gái bị một bạn nam cùng lớp sát hại, năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố lấy Ruy băng trắng làm biểu tượng cho Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ là ngày 25/11 hàng năm. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ và cài lên ngực với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, chương trình “Bữa sáng Ruy băng trắng” được tổ chức từ năm 2015 cho đến nay nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo VKSND tối cao, đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia toạ đàm.

VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam, có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong đó, ngành Kiểm sát nhận thức được rằng bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tố tụng là nhiệm vụ rất quan trọng mà mỗi Kiểm sát viên, mỗi người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân cần phải thực hiện trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. 

“Thực tế hiện nay, đâu đó ở Việt Nam vẫn có những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực hoặc xâm hại mà chưa thể lên tiếng hay chưa được bảo vệ một cách xứng đáng. Bởi vậy, chung tay bảo vệ những đối tượng yếu thế này trong các vụ án bạo lực là trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân, cũng như của cả cộng đồng” - Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Một tiết mục văn nghệ chào mừng.

Chương trình được tổ chức chỉ trong vòng 1 buổi sáng nhưng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan ban ngành, cơ quan tư pháp cùng nhau trao đổi, chia sẻ để hiểu hơn những cản trở, khó khăn trong quá trình tìm kiếm công lý của nạn nhân của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, những khó khăn trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án này, từ đó đưa ra những kinh nghiệm và giải pháp để có thể làm tốt hơn công việc của mình.

Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao mong rằng trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và tổ chức quốc tế khác nhằm giúp Việt Nam thực hiện ngày càng hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Tại Chương trình, các đại biểu đã được xem hoạt cảnh mô phỏng điều tra và vai trò của Kiểm sát viên trong giải quyết vụ việc bạo lực về xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em gái; tiếp đó, diễn ra nội dung tọa đàm về các vấn đề giới với sự góp mặt của đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến; Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Nguyễn Văn Khoát; bà Elisa Fernadez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam; chuyên gia về giới - TS. Khuất Thu Hồng và Luật sư Nguyễn Văn Tú.

leftcenterrightdel
 Một hoạt cảnh mô phỏng do sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thực hiện.

Qua Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm với các nhu cầu giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là Kiểm sát viên và cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân trong giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em, mục đích là nhằm chung tay thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đắc Thái