Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao gồm: Vụ 13, Vụ 14, Vụ 15 cùng toàn thể lãnh đạo, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng, khoa thuộc Nhà trường.

Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Lại Viết Quang đã báo cáo về hoạt động của Nhà trường thời gian qua. Theo đó, trong năm 2020, Trường đã tuyển sinh được 279 sinh viên đại học hệ chính quy ngành Luật (chuyên ngành Kiểm sát), 36 sinh viên đại học hệ chính quy ngành Luật (chuyên ngành Luật thương mại) khóa 1, tiếp nhận đào tạo trình độ đại học cho 13 sinh viên quân đội, 54 học viên cao học khóa 2.

Năm 2021, Trường đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyển sinh cao học chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự với chỉ tiêu dự kiến 65 học viên; xây dựng Đề án tuyển sinh đại học Khóa 9 trình lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt, trong đó đề nghị cho phép Trường tuyển 300 sinh viên trình độ đại học ngành luật (chuyên ngành Kiểm sát), 100 sinh viên trình độ đại học ngành luật (chuyên ngành Luật thương mại), 200 sinh viên hệ văn bằng thứ hai đại học ngành Luật.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi làm việc. 

Chương trình đào tạo đại học (ban hành năm 2013 với thời gian đào tạo 4,5 năm) được Trường cập nhật, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2015, 2016, 2018 và năm 2020. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được rà soát, sửa đổi theo quy định của Khung năng lực quốc gia Việt Nam và được công bố công khai trên website Nhà trường.

Trường đã xây dựng Kế hoạch đào tạo toàn khóa, năm học và kỳ học đối với trình độ đại học, trình độ thạc sĩ để tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ và thời gian đào tạo đối với từng trình độ đào tạo. Hình thức tổ chức đào tạo đại học, sau đại học được thực hiện theo học chế tín chỉ, học tập trung tại Trường. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19, Trường đã áp dụng linh hoạt hai hình thức đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo triển khai an toàn, hiệu quả công tác giảng dạy, học tập.

leftcenterrightdel
 Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Lại Viết Quang báo cáo tình hình hoạt động của Nhà trường.

Bên cạnh đó, công tác giảng dạy của các khoa chuyên môn đảm bảo chất lượng và tiến độ; phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, vận dụng linh hoạt cho phù hợp với mục tiêu của bài học, môn học, đối tượng học; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy luôn được áp dụng triệt để.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường được thực hiện theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm của VKSND tối cao trên cơ sở khảo sát nhu cầu của toàn ngành và đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của Viện kiểm sát địa phương.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã phát biểu đề cập đến những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác đào tạo đại học; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; công tác hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ; việc thực hiện tự chủ về tài chính và đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà trường...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đạt được trong thời gian qua, những kết quả này đã góp phần vào những thành tích chung của ngành Kiểm sát nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu và đề xuất, kiến nghị của Nhà trường tại buổi làm việc, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng yêu cầu, thời gian tới, Nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong năm 2021.

Trong đó, Nhà trường cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu; triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động Trường.

Cùng với đó, Nhà trường tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống thể chế của Trường phù hợp với các quy định mới của pháp luật, tình hình thực tiễn của Trường và của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xác định việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng cho Ngành là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Dù trước mắt còn gặp những khó khăn, thách thức, tuy nhiên đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tin tưởng, với truyền thống của mình, Nhà trường sẽ tiếp tục đạt được những thành tích nổi bật hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” cho Ngành và cho xã hội.

Đắc Thái