Huyện Nậm Pồ là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, có 8 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 96,79%  (dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác).

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 50%. Huyện có 15 xã (trong đó có 8 xã biên giới giáp Lào), đất rộng, người thưa, địa hình hiểm trở, nghèo tài nguyên, nguồn lực đầu tư rất hạn chế, hạ tầng thấp kém.

Người dân sinh sống rải rác, tập quán canh tác chủ yếu là làm ruộng, nương theo mùa vụ và chăn nuôi gia súc gia cầm, trình độ dân trí còn thấp. Do đó đòi hỏi các cấp, các ngành đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  

leftcenterrightdel
 Cán bộ Kiểm sát VKSND huyện Nậm Pồ tuyên truyền pháp luật tới bà con dân bản.

Hiểu rõ việc cần thiết phải tổ chức, triển khai công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của đảng, trên cơ sở tình hình thực tế tại địa bàn huyện Nậm Pồ, ngày 15/12/2021 Huyện ủy Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 765-QĐ/HU về việc thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trên địa bàn huyện với 880 thành viên.

Đây có thể xem là một quyết định đột phá và là huyện đầu tiên của tỉnh Điện Biên triển khai mô hình dân vận cơ sở, tạo nên những tiền đề của cấp ủy các cấp nhằm lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng giải đáp những bức xúc, vướng mắc từ cơ sở tạo được sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy huyện Nậm Pồ, VKSND huyện Nậm Pồ cử 7 đồng chí/8 biên chế tham gia tại 7 tổ dân vận trên địa bàn các bản của xã Nà Bủng, Chà Tở, Pa Tần; Nà Khoa và xã Si Pa Phìn.

leftcenterrightdel
 Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thực hiện linh động, sáng tạo đến từng gia đình.

Mỗi tổ dân vận gồm 7 đến 8 đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ và các cơ quan, tổ chức đang công tác trên địa bàn huyện, trong đó có 1 đồng chí tổ trưởng chịu trách nhiệm điều hành, quản lý, phụ trách hoạt động của nhóm.

Định kỳ hàng tháng, quý các tổ dân vận đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành điều tra khảo sát, nắm tình hình, thu thập thông tin toàn diện về các bản được giao phụ trách, trong đó tập chung các thông tin về dân số, hộ nghèo, gia đình khó khăn…

Nhiệm vụ của các tổ còn gặp gỡ, thăm hỏi, làm việc với nhân dân các bản, các điểm, nhóm tôn giáo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, tạo sự gần gũi, thân mật đồng thời truyên truyền phổ biến pháp luật theo những nội dung trọng tâm về công tác đào tạo, tuyển dụng nghề; các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động nhân dân tiêm phòng COVID-19; cấm tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, phòng chống ma túy, bảo vệ đường biên giới, tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ rừng…

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hứa Ngọc Thông, Viện trưởng VKSND huyện Nậm Pồ tặng quà người dân.

Đồng chí Hứa Ngọc Thông, Viện trưởng VKSND huyện Nậm Pồ chi sẻ: “Ngoài các nhiệm vụ trên, các tổ công tác còn chú trọng công tác tuyên truyền về chính sách và lợi ích của việc phát triển các dự án trồng cây cắc ca trên địa bàn huyện, mô hình trồng dứa, lạc, khoai sọ, chăm sóc cây sa nhân… tại các bản cũng được mở rộng diện tích trồng nhằm phát triển được thế mạnh, nguồn lực tại chỗ, từng bước đưa đời sống nhân dân phát triển đi lên”.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm ở Nậm Pồ nổi lên là các vụ hủy hoại rừng. Trên địa bàn huyện đã xảy ra 92 vụ hủy hoại rừng, trong đó Hạt Kiểm lâm đã xử lý hành chính 60 vụ, khởi tố 32 vụ, do đó công tác tuyên truyền về khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu được cấp ủy hết sức quan tâm và yêu cầu các tổ dân vận chú trọng tuyên truyền.

7 thành viên của Viện kiểm sát huyện Nậm Pồ đã tham gia 43 cuộc dân vận, trong đó chú trọng vào công tác tuyên truyền bảo vệ rừng. Việc tuyên truyền tập trung nêu rõ việc rừng bị tàn phá đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của con người, hệ động, thực vật, làm mất cân bằng sinh thái, để lại những hậu quả to lớn về kinh tế, môi trường và cuộc sống của người dân.

Qua các buổi tuyên truyền người dân cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ, phát triển rừng, ý thức được việc nâng cao trách nhiệm quản lý khu vực rừng đã được giao, các hộ dân đến nghe tuyên truyền đều ký vào bản cam kết cùng chung tay bảo vệ và phát triển rừng.

leftcenterrightdel
 Đại diện lãnh đạo VKSND huyện Nậm Pồ tặng quà người dân.

Thực tế đã chứng minh hiệu quả của công tác tuyên truyền trên qua việc nhận thức của từng người dân về các vần đề về an ninh, kinh tế, khoa học kỹ thuật, pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt các vụ chặt phá, huỷ hoại rừng trên địa bàn đã giảm đáng kể (thời điểm từ tháng 5 đến hết tháng 9 năm 2022 chỉ xảy ra 18 vụ/tổng số 92 vụ trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu là chặt phá nhỏ lẻ do người dân phát nương cũ để làm nương với diện tích nhỏ).

Các tổ dân vận còn nắm bắt, giúp đỡ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận to lớn từ phía người dân trong mỗi buổi tập trung tuyên truyền. Từ đó đưa ra những định hướng tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, thời điểm, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, như: Gặp gỡ người dân trực tiếp tại các hộ gia đình, tập trung tại các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ, các sự kiện của bản...

“Mỗi cán bộ đảng viên VKSND huyện khi được giao nhiệm vụ dân vận đã chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, là những tấm gương trước nhân dân trong các hoạt động ứng xử, tiếp xúc, đối thoại thể hiện sự cầu thị, lắng nghe, tôn trọng, hiểu biết, chia sẻ nhằm tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và chính quyền. Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng người dân, các tổ dân vận tổ chức thực hiện vào buổi tối khi người dân đi làm nương về. Khi có vấn đề cần sự tham gia đột xuất của tổ dân vận thì các thành viên đã sắp xếp, bố trí được công việc, thời gian để tham gia đầy đủ bằng lòng nhiệt huyết và trách nhiệm đối với công việc được giao” – Viện trưởng VKSND huyện Nậm Pồ Hứa Ngọc Thông đúc kết.

Nội dung tuyên truyền rất phong phú, đa dạng. Các cán bộ Kiểm sát còn lồng ghép tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; cụ thể là công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp còn tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác nhằm phục vụ mục đích chính trị của địa phương,

Qua gần một năm thành lập, triển khai công tác dân vận đã mang lại nhiều kết quả khả quan, việc tổ chức triển khai công tác dân vận của cấp ủy huyện Nậm Pồ có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ VKSND huyện.

Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân được tiến hành thường xuyên đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và phát triển kinh tế, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thông tin kịp thời, đem lại sự tin tưởng của Nhân dân với cấp uỷ, chính quyền các cấp, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ đó tạo sự đồng thuận lớn trong Nhân dân./.

Nguyễn Tiến Khôi - VKSND huyện Nậm Pồ (Điện Biên)