leftcenterrightdel
 Hiện trạng ghi nhận được mặt đường ĐT.949 với nhiều “ổ voi” gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Ghi nhận của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, trong những ngày vừa qua, tại Km1+754.5 đến Km10+200 Đường tỉnh 949 nối 2 huyện vùng biên của tỉnh An Giang là Tịnh Biên và Tri Tôn công tác thi công vô cùng kém. Đặc biệt, có rất nhiều đoạn dài, mặt đường gồ ghề, lồi lõm, nhiều “ổ gà”, “ổ trâu”, thậm chí “ổ voi” rộng trên dưới 4m, sâu trên dưới 30 cm chằng chịt, chắp vá.

Lại có đoạn đơn vị thi công - liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh thi công dở dang, khiến phần đường có thể lưu thông bị bóp nhỏ, người dân đi xe máy, xe đạp và các phương tiện tham gia giao thông khác như xe ô tô, xe tải…phải rất chật vật mới có thể nhường đường cho nhau.

leftcenterrightdel
 Người dân khu vực 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tỉnh An Giang quá bức xúc trước những hình ảnh này.

Không những vậy, được biết gần 3 tháng nay, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh đã tạm ngưng thi công, bỏ lại hiện trạng tuyến đường ngổn ngang, lởm chởm. Để cảnh báo người tham gia giao thông, có đoạn đơn vị thi công đặt biển báo nhưng đã bị ngả chỏng chơ, và cũng không ít đoạn không có bất kỳ biển báo nào.

Việc thi công rời rạc tuyến đường ĐT.949 của liên danh nhà thầu - Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh đã khiến cho người dân hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang vô cùng bức xúc. Gần 3 năm qua, người dân thì khổ sở, chật vật khi phải lưu thông trên tuyến đường nối 2 huyện với đá, sỏi, đất ngổn ngang, lầy lội…

Công trình thi công xây lắp các hạng mục chính từ Km1+754.5 đến Km10+200 (trừ hạng mục cầu Pô Thi, cầu Cây Đuốc và đường vào 2 cầu) Đường tỉnh 949 trên do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh trúng thầu và thi công. Công trình thuộc Dự án: Nâng cấp ĐT.949, huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm Chủ đầu tư.

Dự án Nâng cấp ĐT.949 sử dụng vốn ngân sách của tỉnh với tổng mức đầu tư là: 496.258.000.000 đồng.

Thời hạn sử dụng công trình: Mặt đường 15 năm, cầu bê tông cốt thép 100 năm.

Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư phát triển An Giang

Đơn vị tư vấn giám sát: Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Kiên Giang.

Theo quyết định của Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, công trình này sẽ thi công 24 tháng, tính từ ngày khởi công công trình, kể cả ngày nghỉ, lễ theo quy định. Nhưng đến nay, thời gian thi công đã vượt quá thời hạn cho phép gần 1 năm nhưng công trình mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng, theo đại diện BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, đoạn đường từ Km1+754.5 đến Km10+200 đường ĐT.949 do liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh trúng thầu thi công. Đáng chú ý, trong số các nhân sự chủ chốt thi công tuyến đường này có Mai Công Danh - “Kỹ sư” trong hồ sơ dự thầu được đăng ký có Bằng tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế nhà trường không cấp bằng đại học cho người này.

leftcenterrightdel
 “Bằng đại học” của ông Mai Công Danh có trong hồ sơ dự thầu đã được Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh khẳng định không do nhà trường cấp phát.

Sau khi phát hiện thông tin, Báo Bảo vệ pháp luật đã tiến hành xác minh và được Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh khẳng định nhà trường không cấp, phát bằng tốt nghiệp đối với trường hợp Mai Công Danh (SN 10/10/1981; Kỹ sư; Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Số hiệu bằng: 254512, Số vào sổ cấp bằng: 16854; Ngày cấp bằng: 17/05/2010), đúng như nội dung Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh.

Điều này đồng nghĩa với việc ông Mai Công Danh cùng liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tây Ninh có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức khi tham gia gói thầu thi công thuộc dự án: Nâng cấp ĐT.949, huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư.

Được biết, Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông Mai Công Danh từ ngày 1/1/2015. Như vậy gần 10 năm qua, đơn vị này đã sử dụng lao động Mai Công Danh không tốt nghiệp đại học, không kiến thức, nền tảng của một kỹ sư được đào tạo chính quy và còn sử dụng “Bằng đại học giả” để bố trí, sắp xếp thực hiện nhiều công việc quan trọng trong quá trình thi công các công trình xây dựng.

leftcenterrightdel
 Trụ sở BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, Chủ đầu tư của dự án nâng cấp đường ĐT.949.

Chỉ cần nhìn vào hoạt động thi công một phần tuyến đường ĐT.949 thì thấy, rõ ràng chất lượng công trình có sự tham gia của “Kỹ sư dỏm” Mai Công Danh vô cùng tệ và có nhiều bất cập. Vậy thử hỏi, trong gần 10 năm qua, “Kỹ sư dỏm” này đã được Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang đã trưng dụng thi công ở bao nhiêu công trình, và chất lượng của các công trình có ông Mai Công Danh tham gia liệu được đảm bảo theo quy định hay không?

Riêng đối với công trình thuộc dự án nâng cấp đường ĐT.949, tính đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cũng như BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang vẫn chưa đưa ra hướng xử lý đối với sai phạm của liên danh nhà thầu sử dụng nhân sự có bằng đại học giả sau thông tin phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang hiện vẫn “im lặng” trước các câu hỏi của Báo Bảo vệ pháp luật đặt ra đối với chất lượng của công trình nói trên vốn sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước nhưng liên danh nhà thầu vẫn ngang nhiên sử dụng nhân sự có “Bằng đại học giả” để đấu thầu và tham gia thi công.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên quan đến hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định như sau:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

………”

 

Việt An - Việt Hoa