leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Thanh Cường - Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (người ngồi giữa) làm việc với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật.

Gói thầu thi công xây lắp các hạng mục công trình chính từ Km1+754.5 đến Km10+200 (trừ hạng mục cầu Pô Thi, cầu Cây Đuốc và đường vào 02 cầu) thuộc dự án nâng cấp ĐT.949, huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư và cũng là bên mời thầu (gói thầu số 20).

Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1097/QĐ-BQLDA ngày 5/5/2022 của BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang (có địa chỉ tại số 17 Hà Hoàng Hổ, tổ 45, khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tây Ninh (địa chỉ tại số 17 đường 13, phường Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) là đơn vị trúng thầu với giá 85.996.940.000 đồng.

Theo thỏa thuận của liên danh, Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang đảm nhận 60% tổng giá trị gói thầu này.

Tại gói thầu này, Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang cũng kê khai và sử dụng “Kỹ sư” Mai Công Danh đảm nhận vai trò nhân sự chủ chốt.

Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu (HSMT), ở mục nhân sự chủ chốt, bên mời thầu yêu cầu: 1 nhân sự “Quản lý an toàn lao động” với trình độ chuyên môn tối thiểu là trình độ đại học chuyên ngành giao thông hoặc chuyên ngành xây dựng công trình (không phân biệt lĩnh vực).

Trong Hồ sơ dự thầu, Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang đã kê khai nhân sự đảm nhiệm vị trí này là kỹ sư xây dựng công trình giao thông Mai Công Danh (SN 10/10/1981); tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh năm 2010. Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người này từ ngày 1/1/2015; có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động còn hiệu lực đến ngày 10/01/2024.

Thế nhưng, tại công văn số 409/ĐHGTVT-ĐTTX của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh trả lời đề nghị xác minh của Báo Bảo vệ pháp luật khẳng định, nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp đối với trường hợp Mai Công Danh.

Để làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và hình thức xử lý nhà thầu vi phạm trong công tác đấu thầu ở gói thầu số 20, gần nửa năm qua, Báo Bảo vệ pháp luật đã nhiều lần liên hệ làm việc với BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, từ thời điểm ông Nguyễn Văn Du - Giám đốc đơn vị này chưa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự, nhưng đều không được phối hợp.

leftcenterrightdel
 Ảnh bằng tốt nghiệp đại học của nhân sự Phạm Công Danh do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cung cấp.

Mới đây, làm việc với Báo Bảo vệ pháp luật,  khi được đặt câu hỏi về việc kê khai nhân sự Mai Công Danh nói trên có được xác định là hành vi kê khai gian dối của nhà thầu hay không, đồng thời việc kê khai gian dối này (nếu có) sẽ được xử lý như thế nào, thì ông Nguyễn Thanh Cường - Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, đơn vị không có chức năng, thẩm quyền để kiểm tra thông tin phản ánh về các dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu nói trên(?)

Mặt khác, ông Nguyễn Thanh Cường vẫn khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 20 tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế(!?)

Nêu quan điểm về vấn đề này, các chuyên gia đấu thầu đều khẳng định, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, thông tin đã kê khai trong hồ sơ dự thầu.

Theo quy định, việc nhà thầu cố ý trình bày sai, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu, theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.

Nhà thầu có các hành vi gian lận này sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liên quan đến gói thầu số 20 nói trên, liệu có dấu hiệu của hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay không khi bằng tốt nghiệp đại học của ông Mai Công Danh được chính Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh khẳng định là không do nhà trường cấp…

Chúng tôi nhận thấy, BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang hiện có dấu hiệu né tránh giải quyết. Cụ thể, vừa qua phóng viên có nhận được văn bản đề ngày 12/4/2024 của đơn vị này gửi Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ thông tin về Bằng tốt nghiệp đại học của các nhân sự tham gia dự thầu gói thầu số 20, tuy nhiên cho đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang vẫn chưa cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về kết quả xác minh cũng như các bước xử lý vụ việc tiếp theo.

Ngoài ra ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây lắp các hạng mục công trình thuộc dự án nâng cấp ĐT.949, huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm Chủ đầu tư khi liên danh Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tây Ninh sử dụng nhân sự không có bằng đại học theo quy định tham gia gói thầu?

Được biết tính đến tháng 4/2024, gói thầu số 20 nói trên đã triển khai được 65% khối lượng và liên danh nhà thầu được Chủ đầu tư giải ngân tạm ứng số tiền tương đương 30% tổng giá trị hợp đồng.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Hoa - Việt An