VKSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can trong vụ án “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

leftcenterrightdel
 Các bị can: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương. 

Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353; khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong số các bị can còn lại, có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước và một số cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Đáng chú ý, trong số các bị can bị truy tố có bị can Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng nêu rõ, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu. Bị can Trương My Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra.

Trương Mỹ Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn Thanh tra.

Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Cũng theo cáo trạng của VKSND tối cao, Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, người ra Quyết định thanh tra, là người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Đoàn Thanh tra thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp lập, chỉnh sửa các báo cáo của Đoàn Thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra.

Các thành viên còn lại của Đoàn Thanh tra có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ và ra Kết luận thanh tra theo hướng: Không đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; Không chuyển hồ sơ sai phạm sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; Ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế (vi phạm Điều 7, Điều 13 Luật Thanh tra), dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 514.102 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà Time Square thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (quận 1, TP HCM). Ảnh: Anh Tú.

Hệ sinh thái cả ngàn công ty trong và ngoài nước

Về Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) do Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch, quá trình hoạt động, Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các Công ty con, Công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (gọi tắt là Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ Cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các Công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê/nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các Công ty; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam; Nhóm Công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… Nhóm các Công ty được gọi Công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…;

Đặc biệt, mạng lưới Công ty tại nước ngoài: Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều Công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “Nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Vũ Phương