Ngày 14/7, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An), tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang (cũ), Tuyên Quang (cũ), Bộ Giao thông Vận tải (cũ) và các đơn vị, địa phương liên quan.

Trong số 29 bị can có 3 bị can thuộc Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang (cũ), gồm: Trần Viết Cương (SN 1978, cựu Giám đốc Ban); Lưu Xuân Hiếu (SN 1981, cựu Phó trưởng phòng điều hành dự án nước ngoài, cựu Phó Trưởng phòng Điều hành Dự án 2); Phạm Quang Giang (SN 1976, cán bộ Phòng Tài chính – Kế toán) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ Luật Hình sự.

Bố trí “quân đỏ, quân xanh” để trúng thầu 

Theo cáo trạng, năm 2021, sau khi Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ giai đoạn 1, Ban Quản lý dự án (QLDA) tỉnh Tuyên Quang được giao làm chủ đầu tư Gói thầu số 26 với giá trị hơn 487 tỉ đồng. Do có mối quan hệ quen biết từ trước nên Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An đã nhanh chóng tiếp cận Trần Viết Cương - Giám đốc Ban QLDA tỉnh Tuyên Quang, để “chạy suất” tham gia thi công gói thầu.

leftcenterrightdel
 Bị can Nguyễn Duy Hưng (trái) và bị can Trần Viết Cương.

Theo đó, Cương đã trực tiếp “tư vấn” cho Hưng liên danh với Công ty Hiệp Phú và Công ty Licogi 14. Để giúp đỡ Tập đoàn Thuận An, Cương còn chỉ đạo cấp dưới sao chép toàn bộ file dự toán chi tiết cho liên danh do Hưng cầm trịch, giúp nhóm này có lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh.

Dưới sự giúp đỡ của Trần Viết Cương và sự chỉ đạo, điều hành của Nguyễn Duy Hưng, một ê-kíp gần chục người thuộc Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên danh, đối tác được huy động lập hồ sơ dự thầu. Nhóm này không chỉ xây dựng bộ hồ sơ cho liên danh Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 (“quân đỏ”), mà còn lập hồ sơ “quân xanh” cho Công ty Tự Lập và Công ty 68 nhằm tạo kịch bản đấu thầu giả.

Những người này đã lập nhóm chat Zalo mang tên “Cao tốc TQ-PT” để phối hợp, phân công làm hồ sơ. Mọi khâu từ kỹ thuật, tài chính, pháp lý đến dự toán giá đều được “dàn dựng” theo kịch bản có sẵn. Các thành viên trong nhóm Zalo còn thông báo trước giá bỏ thầu để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo “quân đỏ” trúng, “quân xanh” bị loại theo đúng từng vòng chấm điểm.

Đặc biệt, khi đã nộp hồ sơ nhưng thiếu bản tài chính hoàn chỉnh, các bị can vẫn được Ban QLDA tỉnh Tuyên Quang “tạo điều kiện” nộp bổ sung, thay thế hồ sơ. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về đấu thầu.

“Bôi trơn” hàng chục tỉ đồng cho Giám đốc Ban QLDA

Cũng theo cáo trạng, ngày 6/8/2021, Ban QLDA tỉnh Tuyên Quang ra quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu. Theo đó, Liên danh Tập đoàn Thuận An- Công ty Hiệp Phú – Công ty Licogi 14 do Nguyễn Duy Hưng cầm trịch trúng gói thầu số 26 trị giá 487 tỉ đồng. Còn Công ty Tự Lập và Liên danh Công ty 68 – Vinadelta trượt thầu theo đúng “kịch bản” khi xây dựng hồ sơ “quân xanh” dự thầu.

Sau đó, Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14 do Hưng “đạo diễn” tiếp tục trúng thầu giai đoạn 2 với giá trị hơn 90,4 tỉ đồng, nâng tổng số lên hơn 577 tỉ đồng.

Trên thực tế, sau khi trúng thầu Gói thầu số 26, Tập đoàn Thuận An chỉ cung cấp vật tư và giám sát, toàn bộ khối lượng thi công được giao cho các nhà thầu phụ như Công ty Việt Tiến, Công ty Đức Trung và Công ty 459. Đổi lại, Nguyễn Duy Hưng thu “tiền cơ chế” 14% trên giá trị hợp đồng, trong đó thu 4 tỉ đồng - khoản thu ngoài hợp đồng từ 2 nhà thầu là Công ty Đức Trung và Công ty 459.

Chưa hết, để có chi phí “bôi trơn” cho Chủ đầu tư, Hưng còn thỏa thuận “gửi giá” với các nhà cung cấp vật tư, nâng giá trị hàng hóa, dịch vụ, thu lời hơn 5,8 tỉ đồng là chênh lệch giá vật liệu đầu vào từ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu đá, bê tông, thuốc nổ… đưa vào hồ sơ nghiệm thu thanh toán.

Sau khi tiếp tay cho Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Hiệp Phú - Công ty Licogi 14 trúng thầu, Trần Viết Cương đã nhận tổng cộng 12,5 tỉ đồng từ Liên danh 3 nhà thầu. Trong đó, Cương nhận từ Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Công ty Việt Tiến) 8 tỉ do Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo Huy đưa; nhận của Phạm Quang Hiệp (Giám đốc Công ty Hiệp Phú) 2 tỉ đồng và nhận của Lại Xuân Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Licogi 14) 2 tỉ đồng.

Ngoài ra, một phần trong số này được chia cho các cán bộ chấm thầu, cán bộ tài chính, kế hoạch thông qua các hình thức “bồi dưỡng”. Cụ thể, Phạm Quang Hiệp đi cùng Nguyễn Văn Huy đến đưa cho Phạm Quang Giang (cán bộ Phòng tài chính – kế toán Ban QLDA tỉnh Tuyên Quang) số tiền 150 triệu đồng. Sau đó, Nguyễn Xuân Thành (Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Hiệp Phú) đưa thêm cho Giang 10 triệu đồng. Giang báo cáo Trần Viết Cương và được chỉ đạo chia cho cán bộ trong Tổ chuyên gia chấm thầu. Giang đã đưa cho Phạm Nhật Linh (Trưởng phòng Dự án 2) số tiền 80 triệu đồng. Giang sử dụng 20 triệu đồng vào chi tiêu cá nhân; còn lại 60 triệu đồng sử dụng cho Tổ chuyên gia đấu thầu.

Gây thiệt hại hơn 9,8 tỉ đồng

Cáo trạng xác định, hành vi gian dối, thông thầu và lập hồ sơ giả của Nguyễn Duy Hưng và đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Hành vi của Nguyễn Duy Hưng và các đồng phạm đã gây hậu quả, ngân sách nhà nước bị thiệt hại hơn 9,8 tỉ đồng, gồm 4 tỉ đồng chi ngoài hợp đồng và gần 5,9 tỉ đồng chênh lệch giá vật tư đầu vào.

Những hành vi này không chỉ là biểu hiện của tham nhũng doanh nghiệp mà còn là điển hình cho tình trạng “lợi ích nhóm”, làm méo mó hoạt động đầu tư công, triệt tiêu môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Quá trình điều tra, truy tố, bị can Nguyễn Duy Hưng đã nộp tiền khắc phục được hơn 24,4 tỉ đồng, trên tổng số thiệt hại của vụ án là hơn 120,4 tỉ đồng; bị can Trần Viết Cương đã khắc phục 12,5 tỉ đồng; Phạm Quang Giang khắc phục được 80 triệu đồng.  

Hồng Nguyên - Vũ Phương