Vụ án bắt đầu từ nguồn tin phản ánh có một người tự xưng là “Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an” tên Lê Nhật Phong, xuất hiện và tiếp cận nhiều cá nhân tại các tỉnh phía Nam để mời chào làm sổ đỏ cho diện tích đất khai hoang. A09 đã nhanh chóng xác minh và làm rõ người mang tên Lê Nhật Phong thực chất là Phạm Văn Thảo - đối tượng có tới 3 tiền án, đang bị truy nã và đã trốn khỏi địa phương nhiều năm qua.

Trước đó, tháng 9/2015, Thảo bị kết án 30 tháng tù vì tội "Trộm cắp tài sản". Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, TAND TP Rạch Giá (cũ) đã thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng việc cho gia đình Thảo bảo lãnh điều trị bệnh. Khi khỏi bệnh, Thảo không trình diện mà bỏ trốn khỏi địa phương. Từ đó, Thảo bị truy nã toàn quốc.

leftcenterrightdel
Bị can Phạm Văn Thảo giả mạo là “Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an” cùng các giấy tờ giả.

Trong thời gian trốn truy nã, Thảo sử dụng mạng xã hội để đặt mua giấy chứng minh nhân dân giả mang tên Lê Nhật Phong. Với danh tính này, đối tượng Thảo tiếp tục đặt làm nhiều giấy tờ giả khác như: Căn cước công dân, giấy chứng minh Công an nhân dân, bằng lái xe và thậm chí cả trang phục Công an để phục vụ ý đồ lừa đảo.

Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, Thảo trú tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, nay thuộc tỉnh Lâm Đồng), thuê trọ và làm thuê dưới tên giả. Với vỏ bọc là cán bộ Công an cấp cao, Thảo tiếp cận người dân và tung tin có khả năng “giúp” làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho đất khai hoang lâu năm. Thảo tổ chức họp dân, hướng dẫn quy trình làm hồ sơ, và đưa ra “giá dịch vụ” là 30 triệu đồng/giấy chứng nhận.

Để tạo lòng tin, Thảo còn mua một giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả, đứng tên Lê Nhật Phong, có đầy đủ chữ ký và con dấu giả. Nhiều người dân, trong đó có ông K'Liêng, bà HGlăng, ông K'Kril, bà HLang... vì tin tưởng “đại tá Phong” đã gom góp, đưa cho Thảo tổng cộng hơn 272 triệu đồng để nhờ làm “sổ đỏ”. Sau khi nhận tiền, Thảo lập tức bỏ trốn.

Sau khi Thảo bỏ trốn, các nạn nhân đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định toàn bộ thông tin cá nhân của “đại tá Phong” đều là giả mạo. Thảo không chỉ lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Không dừng lại ở đó, tháng 9/2023, trong khi vẫn đang lẩn trốn, Phạm Văn Thảo tiếp tục lên mạng tìm mua thêm giấy tờ giả. Thông qua tài khoản mạng xã hội, Thảo đã đặt mua 2 căn cước công dân, 1 giấy chứng minh Công an nhân dân, cùng phụ kiện, trang phục công an để tiếp tục che giấu thân phận và phục vụ cho các kế hoạch lừa đảo khác. Toàn bộ số giấy tờ này được mua với giá 2,5 triệu đồng.

Ngày 25/2/2025, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thảo. Đến nay, bản kết luận điều tra đã hoàn tất, Cơ quan An ninh điều tra chuyển đến VKSND tối cao (Vụ 1) kèm hồ sơ vụ án đề nghị truy tố bị can Phạm Văn Thảo theo quy định pháp luật.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khuyến cáo, thủ đoạn giả danh cán bộ Công an để lừa đảo không mới nhưng vẫn liên tục biến tướng, đặc biệt lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân ở vùng sâu, vùng xa. Các tổ chức, cá nhân cần nâng cao cảnh giác, khi tiếp nhận thông tin liên quan đến cán bộ, giấy tờ, thủ tục hành chính phải kiểm chứng qua các cơ quan chức năng chính thống.

Trường hợp phát hiện hành vi nghi vấn giả mạo, giả danh lực lượng Công an, người dân cần lập tức báo với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý, ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hồng Nguyên