Ngày 14/7, VKSND tối cao (Vụ 3) đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng và 28 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, địa phương liên quan.
    |
 |
Bi can Phạm Thái Hà. Ảnh: BCA |
2 dự án có “bàn tay” của Phạm Thái Hà để Tập đoàn Thuận An trúng thầu
Trong số 29 bị can có bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, trong 5 dự án (Gói thầu số 07 Dự án cầu Đồng Việt; Gói thầu số 26 giai đoạn 1 Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Gói thầu số 13 Dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều; Gói thầu số 02 Dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 và Gói thầu XD01, XD02 Dự án Quốc lộ 14E Bộ Giao thông vận tải) xảy ra sai phạm, có 2 dự án có “bàn tay” của bị can Phạm Thái Hà để Tập đoàn Thuận An trúng thầu, thi công.
Cụ thể, ngoài việc "tác động" giúp Tập đoàn Thuận An trúng Dự án cầu Đồng Việt tại tỉnh Bắc Giang, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà còn giúp Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An) trúng Gói thầu số 2 Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 trị giá hơn 289 tỉ đồng.
    |
 |
Bị can Nguyễn Duy Hưng. Ảnh: BCA |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy – Giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 7/2/2020. Ngày 17/7/2020, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giao cho Ban QLDA Hà Nội là đại diện chủ đầu tư Dự án.
Theo Cáo trạng của VKSND tối cao, do có mối quan hệ quen biết từ trước với Phạm Thái Hà, khi đó là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội nên khoảng giữa năm 2020, Nguyễn Duy Hưng nhờ Phạm Thái Hà giới thiệu gặp Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội để Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Sau khi biết Hưng có mối quan hệ với Lãnh đạo cấp cao nên vài hôm sau khi Hưng đến Phòng làm việc của Tuấn đề nghị cho Tập đoàn Thuận An tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 thì Tuấn đồng ý và nói sẽ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện trong quá trình đấu thầu để Tập đoàn Thuận An trúng thầu thi công Dự án này.
Khoảng đầu tháng 6 năm 2020, Phạm Hoàng Tuấn chỉ đạo Nguyễn Chí Cường, Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội và Đỗ Đình Phan (Trưởng phòng Giám sát 2) tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Do đó, khi Trần Việt Khoa (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long) đến Phòng Giám sát 2 gặp xin được tham gia đấu thầu, thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 thì Phan báo cáo Phạm Hoàng Tuấn cho Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng Long Liên danh tham gia đấu thầu được Tuấn đồng ý.
Sau đó, Đỗ Đình Phan thông báo để ông Trần Việt Khoa trao đổi với Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An) và thống nhất Tập đoàn Thuận An tham gia 70%, Công ty Cầu 7 Thăng Long tham gia 30% giá trị Gói thầu số 02 Dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Ông Khoa giao cho bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch) phối hợp, cung cấp hồ sơ năng lực, trao đổi các thông tin về dự toán gói thầu và các thông tin liên quan cho Tập đoàn Thuận An hoàn thiện hồ sơ dự thầu của Liên danh.
Đến ngày 10/11/2020, Trần Anh Quang đề nghị và được Đỗ Đình Phan chỉ đạo Trịnh Văn Thanh (nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý thực hiện dự án 2) in cho Trần Anh Quang gửi Hoàng Thị Lệ Hạnh để gửi lên nhóm Chat để làm hồ sơ dự thầu.
Sáng 16/11/2020, Trần Anh Quang tiếp tục đề nghị Trịnh Văn Thanh xin được copy file hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật và dự toán nên Thanh chỉ đạo Lê Văn Măng (Tổ trưởng Tổ tổng hợp, Phòng Giấm sát 2 copy các file này vào USB đưa cho Quang để Tập đoàn Thuận An lập Hồ sơ dự thầu).
Đến cuối tháng 11/2020, Quang thống nhất với Trịnh Văn Thanh kiểm tra hồ sơ của Liên danh để chỉnh sửa trước khi nộp Hồ sơ dự thầu.
Khi phát hiện hồ sơ dự thầu của Tập đoàn Thuận An có nhân sự Chỉ huy trưởng công trường không đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Sau đó, các đối tượng thuộc Ban Quản lý dự án (QLDA) Hà Nội và phía Tập đoàn Thuận An đã thay đổi bổ sung hồ sơ nhân sự vị trí Chỉ huy trưởng, đảm bảo tiêu chí của hồ sơ mời thầu.
Kết quả, ngày 18/12/2020, Ban QLDA Hà Nội có văn bản thông báo Liên danh Công ty Cầu 7 Thăng Long và Tập đoàn Thuận An trúng thầu với giá 289,8 tỉ đồng.
    |
 |
Ông Nguyễn Chí Cường phát biểu tại một sự kiện khi làm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội. |
Hé lộ tỷ lệ chia chác %
Để cảm ơn việc giúp đỡ liên danh trúng thầu và thanh quyết toán, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo Trần Anh Quang và Hoàng Thị Lê Hạnh (Trưởng phòng theo dõi), trực tiếp thực hiện chi tiền cho các cá nhân tại Ban QLDA Hà Nội theo tỷ lệ như sau: Chi cho Giám đốc Ban khoảng 01% giá trị trúng thầu;
Chi cho Phó Giám đốc phụ trách việc nghiệm thu, thanh toán 01% số tiền được thanh toán (trước thuế);
Chi cho Phòng Giám sát 2 (đơn vị trực tiếp nghiệm thu) 02% số tiền được thanh toán (trước thuế); Chi cho Tổ tư vấn giám sát (Công ty Cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long) 0,5% khối lượng được nghiệm thu; Chi cho Tổ hiện trường của Ban 0,1% khối lượng được nghiệm thu.
Trần Việt Khoa cũng chỉ đạo ông Bùi Huy Đản chi tiền cho các cá nhân liên quan tại Ban QLDA Hà Nội với tỷ lệ tương tự Tập đoàn Thuận An. Theo đó, Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng Long đã chi cho các cá nhân tại Ban QLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu, Tổ tư vấn giám sát với tổng số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Quá trình thi công, để có tiền bù đắp các chi phí, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng còn gửi giá đối với 04 đơn vị thi công và nhà cung cấp vật liệu thu hơn 9.2 tỉ đồng chênh lệch đưa vào hồ sơ nghiệm thu và đã được Chủ đầu tư thanh toán.
Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra, các bị can Nguyễn Duy Hưng, Trần Anh Quang, Phạm Hoàng Tuấn, Nguyễn Chí Cường, Phạm Văn Duân, Đỗ Đình Phan, Trịnh Văn Thanh, Lê Văn Măng và Bùi Thanh Tuân đã thành khẩn khai báo hành vi phạm của mình, lời khai của các bị can phù hợp nhau, phù hợp với lời khai của những người thuộc Công ty Cầu 7 Thăng Long (Công ty liên danh với Tập đoàn Thuận An) là ông Trần Việt Khoa, ông Bùi Huy Đản và ông Bùi Quốc Huy; phù hợp với lời khai của những người liên quan thuộc Ban QLDA Hà Nội là Nguyễn Đức Anh, Vũ Tiến Bình, Nguyễn Văn Đán; phù hợp với những người liên quan thuộc Tập đoàn Thuận An là Lê Anh Trung, Hoàng Thị Lê Hạnh; phù hợp với dữ liệu điện tử (tin nhắn, file hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu...) thu giữ trong điện thoại và máy tính của Trần Anh Quang, Hoàng Thị Lê Hạnh và Lê Anh Trung và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, có đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Duy Hưng, Trần Anh Quang, Phạm Hoàng Tuấn, Nguyễn Chí Cường, Phạm Văn Duân, Đỗ Đình Phan, Trịnh Văn Thanh, Lê Văn Mãng và Bùi Thanh Tuân đã giúp cho Tập đoàn Thuận An và liên danh trúng thầu Gói thầu số 02 Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 trái quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.
Căn cứ các tài liệu thu thập trong quá trình điều tra và khoản 5 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01 ngày 13/12/2017 xác định, hậu quả thiệt hại là hơn 9,2 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Phạm Thái Hà được Nguyễn Duy Hưng nhiều lần đưa tổng số tiền là 750 triệu đồng để cảm ơn. Số tiền này được bị can Phạm Thái Hà nộp tiền khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.