Tiếp tục phần xét hỏi vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN).

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Điện lực dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Hợp đồng có nhiều nội dung không có thật, được lập và ký khi chưa được HĐTV của chủ đầu tư phê duyệt.

Trả lời HĐXX về khoảng thời gian làm Chủ tịch HĐTV PVN, bị cáo Đinh La Thăng khai, trong thời gian làm Chủ tịch HĐTV PVN nhiệm vụ của bị cáo là chỉ đạo HĐTV xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện, các nghị quyết, quyết định của HĐQT.

Theo lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, PVN được Chính phủ thực hiện chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn. Tập đoàn đã xây dựng một số công ty con để phát triển các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có PVC xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của cả nước và tập đoàn.

Việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai, xuất phát từ chủ trương trong chiến lược phát triển của PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn phát triển đa ngành. PVN muốn nâng phần doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phát huy nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế...

leftcenterrightdel
 Bị cáo Đinh La Thăng

HĐXX hỏi: "Tháng 6/2010, bị cáo ký Nghị quyết giao cho PVC thực hiện gói thầu. HĐTV có nghị quyết nào nữa phê duyệt việc này?". Bị cáo Thăng trả lời: "Chủ trương tập đoàn là đồng ý cho PVC là tổng thầu. HĐTV có nghị quyết thành lập liên doanh tổng thầu".

Theo bị cáo Đinh La Thăng, HĐTV có nghị quyết phê duyệt nguyên tắc thành lập liên doanh tổng thầu. Tuy nhiên, đây là dự án cấp bách, được Chính phủ chỉ đạo. Trong bối cảnh cấp bách, nếu triển khai thực hiện phương án liên doanh tổng thầu sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian trong việc tìm đối tác nếu thực hiện trong phương án nhà thầu trong nước. HĐTV đã đồng ý cho PVC làm tổng thầu, bị cáo thay mặt HĐTV ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép giao cho PVC là tổng thầu.

Về năng lực tài chính, bị cáo Thăng thừa nhận dựa vào các báo cáo của PVC và các bộ phận giúp việc của PVN báo cáo. Do đó, căn cứ vào năng lực và thực tiễn của PVC nên bị cáo đồng ý về nguyên tắc.

HĐXX hỏi: "Khi PVC ký hợp đồng 33 thì PVC đã có các đánh giá, hồ sơ chưa?".

Bị cáo Thăng trả lời: "Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và tổng thầu, vì việc ký kết hợp đồng đó bị cáo không chỉ đạo ký hợp đồng".

HĐXX hỏi tiếp: "Căn cứ vào đâu bị cáo khẳng định ngày 1/3/2011 sẽ khởi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2?".

Bị cáo Đinh La Thăng cho biết, căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, Ban Tổng giám đốc và bị cáo đồng ý, khi PVPower cho rằng có đủ năng lực khởi công nên bị cáo đồng ý ký vào văn bản.

HĐXX hỏi: "Ngày 24/2/2011, bị cáo ký báo cáo hiệu chỉnh đầu tư, rõ ràng bị cáo nhận thức được rằng việc triển khai thực hiện hợp đồng EPC chưa đầy đủ, vậy làm sao 4 ngày có thể khởi công được?".

Bị cáo Thăng khai: "PVN đã triển khai hàng trăm công trình khắp nơi chứ không chỉ có Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Do đó, để đảm bảo chất lượng tiến độ, tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện đồng thời nhiều việc".

Kết thúc phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX đặt câu hỏi: "Bị cáo nhận thức trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo thực hiện dự án, bị cáo nhận thức có gì sai phạm?"

Bị cáo Đinh La Thăng khai nhận: "Bị cáo đã nhận trách nhiệm trước Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, là người đứng đầu của PVN, bị cáo thấy do sức ép của tiến độ, trong chỉ đạo của bị cáo có lúc nóng vội, quá quyết liệt dẫn đến nhiều lúc vi phạm quy trình, thủ tục. Bị cáo xin nhận trách nhiệm”.

Nhóm PV