Theo Bộ Nội vụ cho biết, hiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đã được xây dựng. Chính phủ đã nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong quá trình soạn thảo, Bộ Nội vụ đã tổng hợp đầy đủ các nội dung còn ý kiến khác nhau, báo cáo Chính phủ và tham mưu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về cơ bản các nội dung báo cáo đều nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan về các nội dung như: Việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, bỏ hình thức kỷ luật giáng chức...

Nêu lý do vì sao đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức khi có ý kiến cho rằng, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức liệu có làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật hay không? Theo lý giải của đại diện Bộ Nội vụ: Bỏ một hình thức không có nghĩa là bớt nghiêm minh của pháp luật, vì hình thức này chỉ áp dụng xử lý đối tượng công chức lãnh đạo quản lý vi phạm, trong số 5 hình thức kỷ luật đó là: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Cũng theo đại diện Bộ Nội vụ, ranh giới giữa việc giáng chức và cách chức có sự duy tình, đáng lẽ cần cách chức thì lại giáng chức, cố tình giảm nhẹ hình thức kỉ luật đi. Vì vậy, cần bỏ hình thức kỉ luật giáng chức đi, nếu không phải khiển trách, cảnh cáo thì cách chức.

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức 

Bên cạnh đó, nếu giữ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ có sự xung đột với các yêu cầu về vị trí việc làm. Ví dụ, vị trí việc làm đơn vị xác định rõ có 1 trưởng 3 phó, nếu giáng chức cấp trưởng thì không còn vị trí việc làm nào để bổ nhiệm nữa. Hơn nữa, pháp luật hiện hành quy định bốn hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Sự tương đồng này cũng sẽ tạo sự liên thông trong công tác cán bộ.

"Chưa nên công khai cán bộ có con được sửa điểm"

Liên quan đến vấn đề công khai danh tính cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã được báo giới đề cập thời gian qua, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng chưa nên công khai cán bộ có con được sửa điểm. Theo cơ quan này, vấn đề là công bố danh tính để làm gì. Nếu các cán bộ lãnh đạo quản lý có hành vi vi phạm thì sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật về hình sự, hoặc về hành chính. Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm, có việc tác động để chạy điểm thì xử lý nghiêm. Và lúc đó đương nhiên có công bố danh tính hay không ở giai đoạn tố tụng nào thì phải theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc công bố danh tính cũng cần cân nhắc nhiều vấn đề, phải dựa vào hành vi vi phạm chứ không sẽ ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các cán bộ. Theo Bộ Nội vụ, sai đến đâu, thì xử lý đến đó. Việc công bố hay không công bố thì phải theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

P.V