Ngày 12/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông đã chỉ thị Ngoại trưởng Hakan Fidan gặp nhà lãnh đạo Syria Bashar Assad để khởi động khôi phục quan hệ với Damascus.

“Tôi đã đề nghị ông Assad đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hoặc gặp gỡ ở một nước thứ ba và tôi đã chỉ thị cho Ngoại trưởng về chuyện này.”, ông Erdogan thông tin với truyền thông tại Washington, Mỹ, sau hội nghị thượng đỉnh NATO; nói, họ muốn khởi động một tiến trình mới bằng cách vượt lên sự bất đồng.

Hôm 7/7, lần đầu tiên kể từ khi Ankara và Damascus cắt đứt quan hệ vào năm 2011, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi lời mời chính thức tới ông Assad, người từng có mối quan hệ thân thiết với ông.

Trước đó, nói với truyền thông hôm 28/6, Tổng thống Erdogan tuyên bố, không có lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ không gây dựng lại mối quan hệ với nước láng giềng Syria.

“Không có lý do gì để không thiết lập (quan hệ với Syria)”, ông Erdogan nói, nhấn mạnh, Ankara không có ý đồ hay mục tiêu can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

“Giống như cách chúng ta đã từng phát triển mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, chúng ta sẽ lại hành động cùng nhau theo cách tương tự.”, ông Erdogan bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là láng giềng ở Đông Địa Trung Hải. Ảnh: GM.

Thiện ý của ông Erdogan được đưa ra sau khi vào tháng trước nhà lãnh đạo Syria bày tỏ, Damascus sẵn sàng cởi mở với mọi sáng kiến nhằm khôi phục quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Syria, miễn là chúng dựa trên sự tôn trọng hoàn toàn chủ quyền của nhà nước Syria và chống lại mọi hình thức khủng bố.

“Thổ Nhĩ Kỳ luôn sẵn sàng ủng hộ một Syria thống nhất, thịnh vượng và hòa bình sau một thỏa thuận công bằng, thẳng thắn và bao trùm. Chúng tôi sẽ không ngại gặp gỡ bất kỳ ai mà điều đó là cần thiết, như chúng tôi đã từng làm trong quá khứ.”, ông Erdogan gần đây đã nói.

Chính quyền có trụ sở tại Damascus và Ankara đã tìm cách hòa giải vào năm 2023, thông qua các cuộc đàm phán do những đồng minh “ruột” của ông Assad là Nga và Iran bảo trợ, nhưng cho đến nay, các cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa 2 nước vẫn chưa đưa đến kết quả vững chắc trong việc bình thường hóa quan hệ.

Syria tiếp tục công khai chỉ trích sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc nước này, nơi lực lượng đối lập Syria mà chính quyền ông Assad coi là khủng bố, kiểm soát.

Tháng 8/2022, ông Erdogan cho biết, Tổng thống  Nga Vladimir Putin đã đề nghị Ankara hợp tác với chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Syria Bashar Assad (bên phải) gặp gỡ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc bấy giờ Tayyip Erdogan tại Aleppo, Syria ngày 6/2/2011. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó, Mevlut  Cavusoglu đã kêu gọi hòa giải giữa chính quyền của ông Assad và phe đối lập Syria do Ankara hậu thuẫn.

“Bằng cách nào đó chúng ta phải đưa phe đối lập và chính quyền ở Damascus cùng nhau đạt được thỏa thuận, bằng không sẽ không có hòa bình lâu dài ở Syria.”, ông Cavusoglu nói.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Syria xấu đi vào năm 1998 khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Syria hỗ trợ Đảng Công nhân Kurd (PKK), lực lượng mà Ankara cho rằng là mối đe dọa của nước này.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra đẩy dòng người di cư lên tới hơn 4 triệu người tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza,  sự thay đổi địa chính trị trong khu vực, cũng như những biến động có thể xảy ra trong cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ có thể đã khiến Ankara và Damascus phải cân nhắc việc nối lại quan hệ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng một thỏa thuận với nước láng giềng có thể mở đường cho sự hồi hương một phần trong số hàng triệu người tị nạn Syria đang sống ở nước này.

Văn Phong (theo Dailysabah)