Xử phạt tới 100 triệu đồng đối với hành vi tham nhũng
Bà Akiko Fujii, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay, tham nhũng là một trong những vấn nạn cản trở mục tiêu phát triển bền vững, như Tổng thư ký Liên hợp quốc thông tin có 3,6 tỷ USD bị mất do tham nhũng trên toàn cầu.
Đối với Việt Nam đã nỗ lực trong PCTN như: phê chuẩn công ước về PCTN, ban hành các luật liên quan, nhất là vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN năm 2018 và một trong những nội dung mới là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực tư nhân. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển vì hòa bình, công lý, pháp quyền.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho hay, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN gồm 11 chương, trong đó có nhiều điểm đáng lưu ý như: tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng; Tiêu chí đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng; Việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước...
Đặc biệt là quy định về xử phạt hành chính và xử lý kỷ luật đối với hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Cụ thể, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được dự thảo quy định từ 5 triệu đến tối đa là 100 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước từ 5 triệu đến 40 triệu đồng.
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó đứng đầu từ 10 triệu đến 40 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định cụ thể về xử lý kỷ luật. Đáng lưu ý là trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật về các hành vi vi phạm tại Nghị định này thì bị áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn theo quy định của luật cán bộ, công chức, viên chức.
Cần quy định rõ vấn đề xung đột lợi ích
Đánh giá về dự thảo Nghị định do Thanh tra Chính phủ xây dựng, bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các chủ thể, nếu Luật chưa rõ ràng thì Nghị định phải giải thích rõ. Thứ 2, các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện tốt Luật PCTN. Bà dẫn chứng, quy định về thẩm quyền thanh tra, đây là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm bởi nếu thanh tra thì phạm vi, hệ quả ra sao…phải làm rõ cho doanh nghiệp hiểu.
Theo ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, trong quy định về xung đột lợi ích, đây là khái niệm rất mới, trong Luật quy định chung chung rồi nên nếu nghị định cũng quy định chung chung nữa thì rất khó áp dụng. Do vậy, ông kiến nghị phải giải thích rõ xung đột lợi ích là gì. Để kiểm soát tốt xung đột lợi ích thì phải nhận diện nó là những tình huống nào, liệt kê chi tiết những tình huống về xung đột lợi ích trong thanh tra, PCTN để những người có trách nhiệm hiểu...
Cùng quan điểm này, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình, cho rằng các tình huống về xung đột lợi ích được quy định trong dự thảo không rõ ràng.
“Nếu bố làm giám đốc sở, con làm trưởng phòng thì có phải là xung đột lợi ích không, trong khi thực tế có rất nhiều trường hợp như thế. Chẳng hạn bố là giám đốc sở tài chính, con làm trưởng phòng ngân sách thì là xung đột lợi ích chứ!”, ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị, đã PCTN thì nên chăng quy định bố làm giám đốc sở thì con phải đi làm chỗ khác. Có như vậy thì xung đột lợi ích mới hết được.