Sáng 28/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác ngành từ quý IV/2018 đến nay. Trong thời gian qua, ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ và đạt được một số kết quả. Trong đó, kết quả công tác thi hành án dân sự quý I/2019, các cơ quan thi hành án thực hiện xong hơn 125.600 việc (trong tổng số hơn 330.000 việc có điều kiện thi hành), đạt tỷ lệ 38,06% (tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2018), với số tiền thi hành xong là hơn 7.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm; khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài nhiều năm qua và các vụ liên quan đến thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Thực hiện nghiêm túc các quy định thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chủ động, tích cực tham gia với cơ quan tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
|
|
Năm 2019, sẽ phong tỏa, truy tìm tài sản tham nhũng để thi hành án |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho hay: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Các đoàn công tác sẽ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Cùng với đó, các đoàn kiểm tra kết quả thu hồi tài sản, việc chấp hành các quy định của pháp luật và công tác phối hợp về thu hồi tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Sơn thông tin thêm các đoàn đã có báo cáo và sẽ có thông tin cụ thể. Năm 2019, Bộ Tư pháp cũng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
|
|
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS |
Cũng tại buổi họp báo, khi được hỏi về việc thi hành án, bán đấu giá tài sản của ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu“ Kiên) có sai sót của chấp hành viên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay đơn vị vẫn chỉ đạo kiểm điểm cán bộ có sai sót trong việc thực hiện đấu giá của 'bầu' Kiên ở TP.HCM. Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã kiểm điểm. Nhưng, Tổng cục Thi hành án thấy rằng cần kiểm điểm kỹ hơn nên đang chỉ đạo tiếp tục kiểm điểm.
Ông Sơn cho biết thêm: "Nói về việc có xem xét lại quá trình bán đấu giá tài sản, thông tin sai sót phải làm rõ xử lý cho phù hợp. Tuy nhiên, kết quả bán đấu giá tuân thủ theo pháp luật, có xem xét lại không thì đó là thẩm quyền của cơ quan thanh tra, tòa án, tuân thủ theo pháp luật về hợp đồng bán đấu giá tài sản. Chúng tôi thấy rằng với sai sót trong quá trình thực hiện thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chưa tới mức xem xét lại kết quả bán đấu giá tài sản".
Liên quan đến vụ việc, tháng 3/2016, Công ty Thẩm định giá Sài Gòn có chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Hồ Biểu Chánh với giá 29,7 tỷ đồng. Sau đó, Công ty cổ phần đấu giá Minh Pháp đã tổ chức bán đấu giá tài sản căn nhà số 5 Hồ Biểu Chánh và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC trúng đấu giá với giá 29,8 tỷ đồng, nộp đủ tiền mua tài sản vào ngày 25/8/2016.Tuy vậy, ông Phùng Thế Huân, người đại diện pháp lý của bà Đặng Ngọc Lan cho rằng một công ty thẩm định giá tại TP.HCM cách đây chưa lâu, có chứng thư thẩm định giá đối với nhà đất rộng 360 m2 tại phường 12, quận Phú Nhuận (TP.HCM) với giá trị gần 45,9 tỷ đồng. Sau đó, gia đình "bầu" Kiên liên tục có đơn khiếu nại. Đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa có kết luận cuối cùng.