Đó chính là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành Thanh tra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 diễn ra chiều nay (16/1).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời được xử lý, giải quyết 

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ (TTCP), năm 2018, toàn ngành đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33 nghìn tỷ đồng, hơn 33,9 nghìn ha đất.

Đồng thời, đã kiến nghị thu hồi hơn 29,7 nghìn tỷ đồng và 1.007 ha đất (đã thu hồi được 16.656 tỷ đồng và 345 ha đất); kiến nghị, xử lý khác hơn 4.070 tỷ đồng, 32.964 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2076 tập thể và cá nhân; ban hành 118.598 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức và cá nhân; xử phạt hành chính 2.965 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực…

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, một số cuộc thanh tra vẫn kéo dài, còn chậm ban hành kết luận. Người đứng đầu nhiều cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tiếp công dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, có nguy cơ phát sinh điểm nóng.

Trên tổng thể, tình trạng khiếu nại, tố cáo nói chung có giảm nhưng khiếu kiện đông người còn nhiều, mức độ gay gắt. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao, thiếu dứt điểm, công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Thủ tướng nêu rõ, công tác dân vận chính quyền thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm nhưng đối thoại, giải thích, giải quyết, vận động, đặc biệt áp dụng chính sách cho người dân chưa phải lúc nào cũng tốt. Thủ tướng lưu ý, nếu không quan tâm thì “cái sảy nảy cái ung”, một đốm lửa nhỏ có thể thành đám cháy lớn.

Ngoài ra, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả lớn trong năm qua nhưng một số biện pháp phòng ngừa thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc phát sinh, nhất là tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời được xử lý, giải quyết.

Đáng nói, hệ thống ngành thanh tra hiện rất lớn với khoảng 22.000 cán bộ, trong đó TTCP chỉ có 700 người còn đa phần là thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, huyện, sở, song Thủ tướng còn băn khoăn về hiệu quả hoạt động của hệ thống, “nếu không phát huy tác dụng thì nên thay cán bộ làm công tác thanh tra”, tránh tình trạng “có anh cũng được mà không có cũng được”.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, việc giải quyết  khiếu kiện đông người, kéo dài phải có sự chuyển biến mới trong năm nay. Ngành phải tạo uy tín, niềm tin với toàn xã hội. Thanh tra phải góp phần lập lại kỷ cương, yên dân, phòng chống tốt tham nhũng, “thanh tra để phát triển chứ không phải thanh tra gây bế tắc xã hội”. Việc giải quyết phải công minh, rõ ràng, có lý có tình. “Khái niệm rõ một vụ thanh tra thành công, một vụ giải quyết khiếu nại tố cáo thành công là như thế nào”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Đồng thời, cần làm tốt việc thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiến nghị chấn chỉnh các yếu kém trong quản lý và đề xuất chính sách pháp luật kịp thời. “ Khi có hiện tượng ở một địa phương, dự án, công trình, một ngành, lĩnh vực được dư luận quan tâm thì TTCP phải vào cuộc”- Thủ tướng nói...

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra, nhất là việc ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản gây khó cho quá trình thu hồi, điều tra, xử lý.

Triển khai mạnh mẽ các giải pháp cần thiết để hạn chế, tiến tới không còn tham nhũng vặt là yêu cầu, đầu bài mà Thủ tướng đặt ra với TTCP. Hơn nữa, ngành Thanh tra cũng cần quan tâm hơn nữa, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan thanh tra một cách mạnh mẽ hơn. Cán bộ thanh tra phải làm gương, không được tiêu cực tham nhũng.

Minh Nhật