55 người dùng bằng giả làm tiến sĩ đang ở đâu?

Kết luận điều tra xác định, các bị can Trường ĐH Đông Đô đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng chỉ xác định được 217 trường hợp có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).

Kết quả trong 216 người được cấp bằng có 193 người được cấp bằng không thông qua tuyển sinh, đào tạo, hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng.  

Đáng chú ý, trong 193 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh khống, có 60 người đã sử dụng bằng. Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một 1 trường hợp thi nâng ngạch Thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Như Tiến cho rằng, những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô phải công khai để dư luận, nhân dân cả nước biết.                   Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Cần phải công khai danh tính những người mua văn bằng 2 tiếng Anh giả của ĐH Đông Đô để làm tiến sĩ, thăng tiến trong các cơ quan, tổ chức.

Nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau. Đó là những người đang vấy bẩn vào nền giáo dục thì không có lý do gì không công khai”.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương rà soát để công khai danh tính những người mua bằng dù người đó là ai, đang giữ chức vụ gì. Như thế, những người đang có ý định gian dối sẽ không dám làm.

Hơn nữa, trong Luật Giáo dục; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng cũng không cho phép cán bộ, công chức, viên chức lừa dối cơ quan, tổ chức trong việc mua bằng cấp”.

“Không công khai, xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bằng bất hợp pháp do ĐH Đông Đô cấp sẽ tạo tiền lệ xấu. Những người sử dụng bằng giả đó để thăng tiến, leo cao, chui sâu sẽ rất nguy hại cho đất nước. Điều đó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ”, ông Lê Như Tiến nói.

Bởi vậy, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, cần phải thanh lọc những người mua bán bằng cấp ra khỏi bộ máy càng sớm càng tốt.

Sai phạm tại ĐH Đông Đô rất nghiêm trọng, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cơ quan chức năng cần làm đến nơi đến chốn những sai phạm tại trường này cũng như những cá nhân, đơn vị liên quan tại Bộ GD&ĐT.

leftcenterrightdel
Ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục ĐH Đông Đô đã bỏ trốn,  hiện đang bị truy nã.  

Lo ngại khó kiểm soát cả bằng cấp nước ngoài?

Từ bê bối, gian lận bằng cấp tại ĐH Đông Đô, ông Lê Như Tiến lo ngại không chỉ bằng cấp trong nước mà vấn đề bằng cấp nước ngoài cũng khó kiểm soát. Thực tế hiện nay có tình trạng ghi tên, nộp số tiền lớn mà không cần học hành gì sau một thời gian là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gắn mác nước ngoài.  

Ông Lê Như Tiến chia sẻ: “Qua tiếp cận, tìm hiểu có không ít trường nước ngoài không có chức năng đào tạo, cấp bằng tiến sĩ nhưng vẫn cấp bằng tiến sĩ.  cho không ít người Việt Nam, trong đó có cả cán bộ, công chức có nhu cầu.

Người có nhu cầu cấp bằng tiến sĩ chỉ cần ghi danh, đóng tiền và chỉ sau một thời gian là được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà không phải học, không phải thi.

Đây là tiếng chuông cảnh báo cho cơ quan quản lý nhà nước, ngành Giáo dục - đào tạo về vấn đề bằng cấp láo nháo như hiện nay cả trong nước và ngoài nước”.

“Cái gốc của vấn đề chính là công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự của chúng ta vẫn còn dựa vào vào bộ hồ sơ đẹp. Như thế người ta còn gian dối để mua, chạy bằng cấp.

Trong hai nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội, tôi đã nhiều lần phát biểu, nếu như chúng ta vẫn tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt theo cách đánh giá hồ sơ đẹp thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy bằng, mua bán bằng, học giả bằng thật”, ông Lê Như Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến cho hay: “Tôi cũng từng được đi một số nước để nghiên cứu, tìm hiểu về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm của họ.

Không ngồi phòng lạnh xem hồ sơ ứng viên mà họ yêu cầu người được bổ nhiệm, tuyển dụng qua những bài kiểm tra về công việc thực tiễn, xử lý tình huống rất sát thực với công việc, với vị trí việc làm.

Họ coi trọng thực tiễn, năng lực thực tế hơn là bằng cấp như chúng ta”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn: “Cần thay đổi về tư duy, cách tiếp cận trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công tác cán bộ. Đó mới là cái gốc của vấn đề để tránh tình trạng mua bán bằng cấp.

Chừng nào chúng ta còn quá coi trọng bằng cấp thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề tiêu cực về bằng cấp từ cử nhân, thạc sĩ, đến tiến sĩ, thậm chí học hàm Giáo sư cũng có thể gian dối được”.

 

Vũ Phương