Kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô liên quan đến việc cấp bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh “chui” được công bố khiến không ít người giật mình về số tiền rất lớn nhà trường thu được, cũng như số bằng đã cấp.

Cũng theo kết luận này, những gian dối trong đào tạo, cấp bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh tại ĐH Đông Đô cũng hé lộ không ít người “mua” bằng là cán bộ, công chức nhà nước.

Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh không hợp pháp để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Ban lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô đã tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp mà không cần phải học. Cơ quan điều tra xác định, ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Trong số 216 trường hợp trên có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng; 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.

Đối với 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng.

leftcenterrightdel
Hơn 3.500 học viên văn bằng 2 ngôn ngữ Anh thu về cho ĐH Đông Đô số tiền hơn 24,2 tỉ đồng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đại biểu Mong Văn Tình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Việc nhiều cán bộ, công chức mua bằng cử nhân tiếng Anh giả của Đại học Đông Đô để thi nâng ngạch, thăng hạng, để làm đẹp hồ sơ, làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ là không thể chấp nhận được.

Anh là đảng viên, là cán bộ, công chức thì càng phải gương mẫu trong việc học thật, thi thật. Hơn nữa, cán bộ, công chức điều quan trọng là năng lực, chất lượng công việc, phục vụ nhân dân và được nhân dân hài lòng, tạo được niềm tin”.

“Những cán bộ, công chức sử dụng bằng cử nhân tiếng Anh không hợp pháp của ĐH Đông Đô, cơ quan chủ quản cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Những cán bộ, công thức sử dụng bằng cấp đó để thi nâng ngạch, thăng tiến, làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ thì cần phải rà soát để hủy kết quả, không công nhận,  như thế mới đảm bảo sự công bằng”, đại biểu Mong Văn Tình nói.

Cũng theo đại biểu Mong Văn Tình, những cán bộ, công chức sử dụng bằng bất hợp pháp để làm đẹp hồ sơ, để tiến thân, để làm tiến sĩ nọ, tiến sĩ kia sẽ làm giảm niềm tin, mất uy tín trước nhân dân.

Sẽ rất khuyến khích, ủng hộ cán bộ, công chức đi học nâng cao trình độ, chuyên môn để phục vụ công việc, phục vụ người dân. Nhưng việc học đó phải thực chất, chứ không phải sự háo danh, khoác lên mình tấm bằng tiến sĩ do gian dối thì rất đáng lên án.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã quy định rõ nên những cán bộ, công chức mua bằng giả phải bị xử lý kỷ luật nghiêm. Ảnh: Quốc hội. 

Đồng quan điểm, ông Đậu Xuân Thoan, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Tài sản Trí tuệ cho rằng: “Các trường đào tạo, cấp bằng tiến sĩ cho những người sử dụng bằng cử nhân tiếng Anh bất hợp pháp do ĐH Đông Đô cấp cần nhanh chóng rà soát để hủy kết quả, không công nhận những tiến sĩ đó để đảm bảo tính công bằng với những tiến sĩ học thật.

Những người sử dụng bằng cử nhân tiếng Anh đó để đủ điều kiện làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ thì như thế đâu được gọi là tiến sĩ. Họ cầm bằng tiến sĩ thật nhưng kiến thức giả”.

Cũng theo ông Đậu Xuân Thoan, đối với những cán bộ, công chức sử dụng bằng bất hợp pháp đó để tiến thân, thăng tiến thì rất tai hại, cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm tra đảng cần phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Còn trường hợp, người thi nghiêm túc, học nghiêm túc, học đầy đủ theo chương trình của nhà trường mà không hề hay biết trường không được cấp phép thì không đáng trách vì họ cũng chỉ là nạn nhân.

Trường hợp những người không thi tuyển, không đi học vẫn được cấp bằng thì đó là mua bán bằng. Trường hợp đó cần phải xử lý thật nghiêm, thậm chí kỷ luật, đuổi ra khỏi ngành đối với những người làm trong cơ quan nhà nước.

Một thực tế, ông Đậu Xuân Thoan có nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy cho rằng, thực trạng hiện nay, có tiến sĩ ở nước ta có trình độ tiếng Anh ghi trên giấy tờ, hồ sơ, lý lịch rất đẹp, nhưng nói một câu tiếng Anh cũng rất khó khăn.

 

Trần Vũ