Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xét hỏi, tranh luận, đối đáp của KSV tại phiên tòa hình sự, trong thời gian qua, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) đã chỉ đạo nghiên cứu, tập huấn sâu quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, xây dựng các chương trình kế hoạch, quyết liệt thực hiện các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.
|
|
Tuyên án phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
Công tác chỉ đạo nghiệp vụ của lãnh đạo đối với KSV khi tham gia phiên toà phúc thẩm hình sự đã được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nghiêm túc theo Chỉ thị số 09/2016/CT-VKS ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao, Quy chế công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự; phối hợp tốt với TAND cùng cấp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm để KSV học hỏi, rút kinh nghiệm về tranh luận, đối đáp tại phiên tòa, tìm ra những ưu điểm, nhược điểm trong quá trình tranh luận, đối đáp như phong thái, thái độ tiếp nhận và vận dụng pháp luật để đối đáp, tranh luận với người tham gia tố tụng, từ đó bồi dưỡng cho KSV về kỹ năng ứng biến khi đối đáp, nâng cao trách nhiệm của KSV khi THQCT và KSXX hình sự tại các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Nhiều KSV khi được phân công THQCT và KSXX có tinh thần trách nhiệm rất cao, đã tập trung nghiên cứu chi tiết, chuyên sâu khách thể bị xâm hại; tổng hợp, phân tích, chứng minh và đánh giá toàn diện các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; nghiên cứu các luật chuyên ngành có liên quan đến hành vi phạm tội, quan điểm bào chữa của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm; tập hợp, trích dẫn văn bản luật, dưới luật để dễ dàng vận dụng, đối chiếu khi tranh luận, chủ động xét hỏi phục vụ cho việc tranh luận, kết luận tại phiên tòa.
Đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, án có tính chất phức tạp, kêu oan, án dư luận xã hội quan tâm, các KSV của Viện cấp cao 3 đã xây dựng chi tiết “kịch bản phiên tòa”, dự kiến đầy đủ các tình huống tranh luận, đối đáp hoặc thông qua quy chế phối hợp đã được ký giữa Tòa án và VKSND tỉnh để bàn bạc, phối hợp thống nhất với Hội đồng xét xử, tổ chức các phiên tòa phúc thẩm từ xử lý thủ tục tố tụng đến quá trình xét hỏi, tranh tụng, xác định những vấn đề cần xét hỏi, làm rõ để tranh luận, đối đáp, trình tự tranh luận, để hoạt động tranh luận, đối đáp tại phiên toà đạt hiệu quả cao nhất, mang tính thuyết phục cao.
|
|
Phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm. |
Theo Viện cấp cao 3, kỹ năng và kinh nghiệm tranh luận, đối đáp của KSV trong đơn vị thời gian qua đã được nâng cao và thể hiện rõ nét trong việc giải quyết các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam là một ví dụ điển hình. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong gần 1 tháng, có 27 bị cáo và 32 người liên quan, với 41 Luật sư tham gia bào chữa. Tính chất của vụ án rất phức tạp, hậu quả xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, …
Để bảo đảm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên toà, trước đó, lãnh đạo Viện cấp cao 3 quyết định thành lập tổ nghiên cứu án gồm 4 KSV (trong đó có 2 KSV cao cấp, 2 KSV trung cấp), do Phó Viện trưởng Phụ trách khối hình sự phụ trách và Viện trưởng Viện cấp cao 3 trực tiếp chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Viện cấp cao 3 đã theo dõi việc giải quyết vụ án ngay từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, quá trình theo dõi, KSV được phân công phải thực hiện ghi chép đầy đủ diễn biến của phiên tòa, đặc biệt là quá trình xét hỏi, tranh luận; tập hợp đầy đủ các bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm để nghiên cứu các luận cứ. Ngay sau khi tuyên án sơ thẩm, tổ nghiên cứu phải xây dựng báo cáo về diễn biến phiên tòa, trong đó đặc biệt chú trọng vào phần xét hỏi, tranh luận và nhận xét, đánh giá về quyết định của Tòa án.
Trong tổ chức nghiên cứu chuẩn bị xét xử phúc thẩm: Tổ nghiên cứu xây dựng kế hoạch phân công trách nhiệm từng thành viên trong quá trình nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát, 2 KSV cao cấp thực hiện phụ trách từng mảng nghiên cứu theo nhóm tội danh; xây dựng kịch bản phiên tòa phúc thẩm để phối hợp với Tòa án cấp cao chuẩn bị tổ chức phiên tòa và bàn với Chủ tọa phiên tòa về công tác phối hợp xử lý tố tụng phát sinh trong giai đoạn thủ tục khai mạc phiên tòa, tổ chức xét hỏi, tranh luận, đối đáp...; Phân công chi tiết trách nhiệm của Kiểm sát viên THQCT và KSXX tại phiên tòa phúc thẩm với các nhiệm vụ phải tác nghiệp: Phát biểu tranh luận xử lý tố tụng, theo dõi diễn biến phiên tòa, cập nhật các tình tiết phát sinh tại phiên tòa, thứ tự xét hỏi, người phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, thứ tự tranh luận, tranh luận bổ sung...; xây dựng đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận và dự liệu các tình huống có thể phát sinh tại phiên toà.
Tại phiên tòa, KSV đã cập nhật và tổng hợp kết quả xét hỏi (tiện cho việc báo cáo lãnh đạo Viện khi họp rút kinh nghiệm sau phiên toà), căn cứ vào kết quả xét hỏi, dự thảo kết luận và dự kiến các tình huống tranh luận, đối đáp. Ở giai đoạn tranh luận, KSV được phân công đã đối đáp triệt để từng ý kiến của các bị cáo, người bào chữa và ý kiến của người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Từ đó làm rõ bản chất vụ án, xác định một số đối tượng có dấu hiệu phải chịu trách nhiệm hình sự; kiến nghị về việc xử lý, cấm xuất cảnh đối với một số người có liên quan trong vụ án như Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn... Kết quả, quan điểm của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận gần như toàn bộ, được dư luận đồng tình. Nhiều đối tượng đã bị khởi tố, điều tra, xử lý ở giai đoạn 2 vụ án như kiến nghị của Viện kiểm sát.
Sau phiên toà phúc thẩm, Viện cấp cao 3 tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với cán bộ, Kiểm sát viên để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm.
Tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”. Để hoạt động tranh luận tại phiên tòa không bị hạn chế và tranh luận đến cùng nhằm làm sáng tỏ những vấn đề mà các bên đặt ra trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến”. Ngoài ra, để bảo đảm không hạn chế việc tranh luận, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không giới hạn số lượng Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên tòa.
Cụ thể hóa hoạt động tranh luận tại phiên tòa của Kiểm sát viên, Điều 26 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) đã quy định chi tiết các hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự để bảo đảm từng ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác được tranh luận, đối đáp đến cùng (Điều 26, 44, 61).
|