Theo một đơn vị kiểm sát, trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ở hai cấp, trước hết, muốn xử lý được các tình huống người tham tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật ở giai đoạn trước, trong phiên toà thì Kiểm sát viên phải nắm chắc các khái niệm tại chương IV Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) “Người tham gia tố tụng” gồm những ai.

Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS, người tham gia tố tụng gồm 20 người (từ người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật), trong đó có cả cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trên cơ sở đó, ngay từ giai đoạn kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên phân loại tư cách tham gia tố tụng trong vụ án để đưa họ vào tham gia tố tụng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho họ, đồng thời giải thích cho họ nghĩa vụ phải thực hiện theo Điều 55 đến Điều 70 BLTTHS xuyên suốt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng (Điều 71 BLTTHS).

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Ảnh: vksquangninh        

Thông thường, những người tham gia tố tụng ít khi cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát trước khi xét xử mà chờ đến phiên tòa, khi Tòa án tiến hành xét xử mới cung cấp chứng cứ, tài liệu. Vì vậy, ngoài việc xây dựng hồ sơ kiểm sát điều tra theo quy định, Kiểm sát viên phải kiểm tra lại tư cách tham gia tố tụng của những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa trên cơ sở quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

Cùng với đó, Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định về thủ tục xét xử các vụ án hình sự như thủ tục bắt đầu phiên toà (từ Điều 300 đến Điều 305 BLTTHS). Điều 305 BLTTHS quy định, chủ tọa phiên tòa phải hỏi những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên toà xem họ có đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét không. Đây chính là nội dung liên quan đến việc cung cấp tài liệu phát sinh ở phiên tòa (có thể họ cung cấp cả tài liệu mà Cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu thập hoặc chưa được CQĐT thu thập). 

Các tài liệu này thường liên quan đến: Chứng cứ thể hiện bị cáo không phạm tội; Chứng cứ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; Chứng cứ nhận tội do CQĐT dùng bức cung, nhục hình; Chứng cứ là vật chứng không đúng trong hồ sơ; Chứng cứ là các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xem xét về đường lối xét xử; Chứng cứ mà CQĐT chưa điều tra...

Khi những người tham gia tố tụng cung cấp tài liệu, đồ vật tại phiên toà, Toà án: “tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp” theo Điều 252 BLTTHS. Theo đó, nếu tài liệu, chứng cứ, đồ vật cung cấp không bảo đảm tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không coi đó là chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Nếu các tài liệu, chứng cứ, đồ vật cung cấp đã bảo đảm tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo, người bị hại, Kiểm sát viên bổ sung trong luận tội để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình cho phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội (các tình tiết giảm nhẹ như: bồi thường thiệt hại, bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo, gia đình có công cách mạng, có thành tích giúp cơ quan Công an phá án... quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; các tình tiết tăng nặng như: bị cáo tiếp tục phạm tội, có hành vi trả thù...). 

Văn Tình