Quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế

Đối với công tác hợp tác quốc tế, Hướng dẫn nêu rõ: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các quy định của Ngành về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9/12/2009 và Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/1/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.

Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/1/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 202/QĐ-VKSTC- HTQT&TTTPHS ngày 16/5/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch số 03/KH-VKSTC ngày 9/6/2021 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về việc thực hiện Kết luận 73 và Chỉ thị 39 trong ngành KSND và các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế đảm bảo chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các Thỏa thuận quốc tế, Nghị định thư, Chương trình hợp tác đã ký bảo đảm kịp thời, hiệu quả, thiết thực, bền vững; tăng cường ký kết các Thỏa thuận quốc tế mới với VKS, Viện công tố các nước có nền công tố mạnh, có hệ thống pháp luật tương đồng với Việt Nam. Các hoạt động hợp tác tập trung vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ kiểm sát; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.

Thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung, các văn kiện ký kết trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương mà VKSND tối cao tham gia như: Tuyên bố chung Hội nghị Viện trưởng VKS, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13, Tuyên bố chung Cuộc họp Bộ trưởng, Tổng Chưởng lý các Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự ASEAN lần thứ nhất... nhằm tăng cường hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý, cơ quan thực thi pháp luật các nước trong khu vực và trên thế giới trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. 

Sử dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác đa phương để tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng Kiểm sát viên, trao đổi thông tin về quy định pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ giải quyết vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài...

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một cuộc họp đàm phán về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự tại trụ sở VKSND tối cao. (Ảnh minh hoạ)

Những lưu ý trong hoạt động thu thập thông tin nhân thân, xác minh lý lịch bị can là người nước ngoài

Trong công tác tương trợ tư pháp về hình sự, Hướng dẫn nêu: Hoạt động lập, gửi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho nước ngoài để đề nghị thực hiện; tiếp nhận, thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Đối với hoạt động thu thập thông tin nhân thân, xác minh lý lịch bị can là người nước ngoài, trong quá trình điều tra vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài đã đề nghị nước ngoài thực hiện việc xác minh nhưng hết thời hạn điều tra, truy tố mà chưa nhận được kết quả tương trợ, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể sử dụng các biện pháp khác đã được liên ngành tư pháp trung ương thống nhất để thu thập thông tin nhân thân, lý lịch bị can, bị cáo, phù hợp với quy định tại Điều 86, điểm e khoản 1 Điều 87 và Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Cụ thể là: Sử dụng giấy tờ tùy thân của bị can để xác định, bao gồm hộ chiếu, thẻ căn cước hay giấy tờ, tài liệu khác để xác định nhân thân bị can.

Có văn bản đề nghị cơ quan Tổng lãnh sự, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, xác định tài liệu, thông tin về lý lịch bị can của bị can là công dân nước đó (có thể đề nghị thông qua Sở ngoại vụ ở địa phương mình).

Trực tiếp liên hệ thông qua kênh hợp tác cảnh sát - cảnh sát, Văn phòng Interpol đề nghị cảnh sát nước có công dân đang là bị can ở Việt Nam để thu thập lý lịch bị can.

Trường hợp đã thực hiện các biện pháp trên nhưng không thu thập được thông tin, tài liệu về lý lịch bị can, thì căn cứ vào lời khai của bị can để xác định nhân thân, lý lịch của bị can.

Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 28 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013. Việc xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam và giải quyết yêu cầu cung cấp quyết định pháp lý cuối cùng trong vụ án do nước ngoài chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1918/VKSTC-HTQT ngày 15/6/2012 của VKSND tối cao và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các tỉnh có chung đường biên giới với CHDCND Lào thực hiện theo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào năm 2020.

Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc thực hiện theo Công văn số 5476/VKSTC-V13 ngày 2/12/2020 của VKSND tối cao về việc dừng gửi yêu cầu tương trợ tư pháp trực tiếp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, theo đó, tất cả các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng các tỉnh có chung đường biên giới đề nghị phía Trung Quốc thực hiện phải gửi đến VKSND tối cao (Vụ 13) để gửi cho VKSND tối cao Trung Quốc theo quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự năm 1998.

Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC còn đề cập đến các nội dung khác như: Việc lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự gửi nước ngoài; công tác thực hiện chương trình, dự án quốc tế; chế độ báo cáo…

Trong công tác dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, theo Hướng dẫn, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 (các Điều 6, 32 và 33), Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (các Điều 40, 55) và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (các Điều từ 498 đến Điều 506).
P.V