Bảo đảm nguyên tắc bí mật nhà nước, bí mật của ngành KSND

Viện trưởng VKSND tối cao vừa có Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ban hành Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên (KSV) tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm

Theo đó, Quy định này hướng dẫn hoạt động của KSV tham gia (trước, trong và sau) phiên tòa dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động sơ thẩm (gọi chung là phiên tòa dân sự sơ thẩm) từ khi KSV nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ vụ án của Tòa án đến khi hoàn thành việc kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm.

Theo Quy định, các đối tượng áp dụng, gồm: VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; KSV được phân công tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm; KSV, Kiểm tra viên, công chức khác được phân công nghiên cứu hồ sơ, giúp việc cho KSV tham gia phiên tòa.

Về nguyên tắc hoạt động, Quy định nêu rõ: Tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật khác có liên quan, các quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao.

Tuân thủ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo của VKSND và nguyên tắc hoạt động của KSV khi kiểm sát hoạt động tư pháp.

Bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ án dân sự kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc bí mật nhà nước, bí mật của ngành KSND trong kiểm sát hoạt động tư pháp.

Quy định cụ thể việc phân công, thay đổi KSV

Liên quan đến việc phân công, thay đổi KSV, người nghiên cứu hồ sơ, Quy định nêu: Đối với việc phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện trưởng Viện kiểm sát phân công KSV nghiên cứu hồ sơ vụ án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thể phân công KSV, Kiểm tra viên, công chức khác nghiên cứu hồ sơ giúp việc cho KSV tham gia phiên tòa.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên tòa dân sự

Đối với việc phân công KSV tham gia phiên tòa; phân công KSV, Kiểm tra viên, công chức giúp việc cho KSV tại phiên tòa: Viện trưởng Viện kiểm sát phải phân công KSV, KSV dự khuyết tham gia phiên tòa theo quy định tại Điều 24 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao về việc quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, dự kiến thời gian xét xử kéo dài thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thể phân công nhiều KSV tham gia phiên tòa, trong trường hợp này phải phân công một KSV có trách nhiệm điều hành các KSV khác khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa. KSV, KSV dự khuyết được phân công phải tham gia phiên tòa theo quy định tại Điều 232 Bộ luật tố tụng dân sự.

Trường hợp KSV không thể tham gia phiên tòa mà không có KSV dự khuyết tham gia phiên tòa ngay từ đầu thì KSV báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thay đổi KSV tham gia phiên tòa.

Viện trưởng Viện kiểm sát có thể phân công KSV, Kiểm tra viên, công chức giúp KSV tại phiên tòa.

Việc thay đổi KSV, Kiểm tra viên được thực hiện theo các điều 60, 61 và 62 Bộ luật tố tụng dân sự. Việc thay đổi công chức được thực hiện như thay đổi Kiểm tra viên.

Quyết định phân công, thay đổi KSV tham gia phiên tòa, Kiểm tra viên giúp việc cho KSV tham gia phiên tòa theo mẫu do VKSND tối cao ban hành.

6 nội dung hoạt động của KSV trước phiên tòa

Về các hoạt động của KSV trước phiên tòa, Quy định quy định: Sau khi được phân công, KSV, người nghiên cứu hồ sơ thực hiện các việc đó là: Kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử; nghiên cứu hồ sơ vụ án; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ (nếu cần thiết); báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án; dự kiến diễn biến tại phiên tòa, dự kiến câu hỏi, dự thảo bài phát biểu; xây dựng hồ sơ kiểm sát, chuyển trả hồ sơ cho Tòa án.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV, người nghiên cứu hồ sơ tiến hành kiểm sát các nội dung như: Kiểm sát việc thụ lý vụ án; nghiên cứu yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, ý kiến khác của đương sự; 

Kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; 

Kiểm sát việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án (việc lấy lời khai, đối chất; việc trưng cầu giám định; việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; việc xem xét, thẩm định tại chỗ; việc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ).

 

P.V