Kháng nghị, kiến nghị là quyền năng pháp lý của VKS được quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Thực hiện quy định trên, ngay từ đầu năm 2019, VKSND thị xã Cai Lậy đã bám sát các nội dung của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch của VKSND tỉnh Tiền Giang về công tác kiểm sát năm 2019 để xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị. Đồng thời, đơn vị đã xây dựng lộ trình hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ của từng khâu công tác. Bên cạnh đó, phân công KSV thực hiện cụ thể những chỉ tiêu đề ra và ấn định đúng thời gian hoàn thành.

leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND thị xã Cai Lậy Trần Văn Hùng triển khai kết luận, kiến nghị trong cuộc kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan điều tra. 

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng và đáp ứng nhiệm vụ năm 2019, VKSND thị xã Cai Lậy đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm trong họat động tư pháp và kiến nghị phòng ngừa tội phạm. Sau 9 tháng thực hiện nhiệm vụ, VKSND thị xã Cai Lậy đã ban hành 34 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trên tất cả các lĩnh vực và đều được chấp nhận. Qua đó, đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết án của các cơ quan tiến hành tố tụng; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thị xã Cai Lậy.

Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, VKSND thị xã Cai Lậy cũng đã tổng hợp các vi phạm, các sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến vi phạm pháp luật và ban hành 9 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Các kiến nghị đều được đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy cũng như các Đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Cai Lậy đánh giá cao.

Để đạt được kết quả nêu trên, VKSND thị xã Cai Lậy đã thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, về công tác cán bộ: Kiện toàn đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và có trình độ, không chỉ am hiểu sâu về pháp luật mà còn linh hoạt trong vận dụng thực tiễn. Lãnh đạo VKS phụ trách quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ về hoạt động kiểm sát. Trong đó, chú trọng công tác kiến nghị, kháng nghị để kịp thời khắc phục các vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và hiệu lực các bản kháng nghị, kiến nghị của VKSND đúng quy định của pháp luật, kịp thời, nhằm hạn chế các vi phạm của cơ quan tư pháp.

Hai là, các cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật, bám sát nội dung quy chế, hướng dẫn,… của Viện trưởng VKSND tối cao về lĩnh vực công tác được phân công để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đáng chú ý là phải áp dụng căn cứ pháp luật thật chính xác, phải xác định rõ những hành vi, quyết định đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm,…

Ba là, kiểm sát chặt chẽ các quyết định, bản án về lĩnh vực công tác được phân công. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần phải được xác minh, làm rõ. Trước khi ban hành kiến nghị, kháng nghị cần thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin ý kiến giải trình để xem xét, cân nhắc, chỉ kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật đã rõ về căn cứ pháp luật; nội dung kiến nghị, kháng nghị cần ngắn gọn, rõ ràng, đề ra các biện pháp thực hiện.

Bốn là, các bản kiến nghị, kháng nghị phải đảm bảo đúng quy định của Ngành về hình thức. Nội dung phải chặt chẽ, chính xác, có căn cứ, mang tính thuyết phục cao, đề ra được các biện pháp để cơ quan bị kiến nghị, kháng nghị thực hiện, vì đó là cơ sở để cơ quan bị kiến nghị, kháng nghị chấp nhận, khắc phục. Chấp hành đúng quy chế về việc gửi các bản kiến nghị, kháng nghị, nhất là việc gửi cho cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị bị kiến nghị, kháng nghị. Tăng cường phúc tra việc thực hiện kiến nghị vì thông qua các hoạt động này là những kênh quan trọng nhất để đánh giá và nâng cao chất lượng về kiến nghị, kháng nghị của VKS.

Đối với những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì VKS chưa ban hành kháng nghị, kiến nghị mà nên báo cáo thỉnh thị VKS cấp trên để được hướng dẫn.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ khác để nắm bắt các thông tin về nội dung bản án, quyết định, bản chất của sự việc. Điều này rất có ý nghĩa trong công tác kiểm sát đối với những trường hợp có khó khăn, phức tạp và thường xảy ra vi phạm. Chú trọng các cuộc kiểm sát trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát, có thể nói đây là hoạt động kiểm sát phát hiện ra nhiều vi phạm nhất.

Sáu là, để làm tốt chức năng nhiệm vụ trong công tác kiểm sát, đảm bảo các kiến nghị, kháng nghị của VKS được thực hiện nghiêm chỉnh, cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp ở địa phương và của Ngành. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, những vụ việc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để có sự chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ của ngành KSND.

Diệu Nương