Đây là nội dung được đề cập tại Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2023 vừa được VKSND tối cao ban hành.

Xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm

Hướng dẫn nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2023 bao gồm: Triển khai, thực hiện Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự sửa đổi; hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ.

Hướng dẫn, kiểm tra VKSND cấp huyện kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Quyết định số 149/QĐ-VKSTC ngày 3/11/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Tập trung kiểm sát nhằm bảo vệ quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án, nhất là quyền con người; bảo đảm hoạt động giam, giữ, bắt buộc chữa bệnh và thi hành án hình sự đúng pháp luật. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này.

Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong ngành KSND.

Tham gia nghiên cứu, góp ý, xây dựng quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Kiểm sát ít nhất từ 30% đến 50% số nhà tạm giữ Công an cấp huyện

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn yêu cầu Viện kiểm sát các cấp thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, biện pháp cụ thể.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát căn dặn những người được đặc xá tại Trại giam Đồng Sơn thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh minh hoạ: Cao Nguyên)

Theo đó, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đối với lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao về chất lượng, kết quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.

Viện kiểm sát các cấp triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự sửa đổi; hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ. Kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ.

Căn cứ hướng dẫn của VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh hướng dẫn VKSND cấp huyện kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Quyết định số 149/QĐ-VKSTC ngày 3/11/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Năm 2023, Viện kiểm sát các cấp cần tập trung kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ (nhà tạm giữ, trại tạm giam), nhất là việc thực hiện quyền của người bị giam giữ được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể không bị tra tấn, dùng nhục hình dưới mọi hình thức; kiểm sát chặt chẽ về công tác quản lý giam giữ cũng như việc thực hiện các chế độ ăn, nước uống, ở, cấp phát ... đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. 

VKSND cấp tỉnh tăng cường kiểm sát tại các trại tạm giam Công an cấp tỉnh và một số nhà tạm giữ Công an cấp huyện, trong đó nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát hằng ngày, tuần, kịp thời kiểm sát đột xuất tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; phối hợp với VKSND cấp huyện tiến hành kiểm sát ít nhất từ 30% đến 50% số nhà tạm giữ Công an cấp huyện (1 lần/năm) để kịp thời hướng dẫn kỹ năng kiểm sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời khắc phục tình trạng nể nang, né tránh của Viện kiểm sát cấp huyện trong việc phát hiện vi phạm cũng như việc kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Đối với những VKSND cấp tỉnh trên địa bàn có từ 20 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thực hiện ít nhất 20% số nhà tạm giữ Công an cấp huyện (1 lần /năm).

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm trong việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và vi phạm khác có liên quan. Kiểm sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam; về điều kiện hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; về điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại chấp hành án phạt tù, chú ý kiểm sát về việc thực hiện nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự nhằm bảo đảm công tác giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đúng quy định. 

Chủ động xác minh hoặc phối hợp xác minh về điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đặc biệt khó khăn trong việc xếp loại chấp hành án phạt tù; xác minh về điều kiện hoãn, tạm đình chỉ của người chấp hành án, kịp thời phát hiện các trường hợp xếp loại chấp hành án không đúng, không đủ điều kiện hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan hữu quan chấn chỉnh, chấm dứt, khắc phục.

VKSND cấp tỉnh báo cáo nhanh bằng văn bản, đồng thời điện thoại đến VKSND tối cao (Vụ 8) khi trên địa bàn xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trong công tác quản lý giam giữ như trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn tập thể, chết (do tự sát, bị giết), phạm tội mới, để có ý kiến chỉ đạo, phối hợp kiểm sát.

VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm sát thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và hướng dẫn VKSND tối cao; chủ động đề ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát hằng tháng tại trại giam.

Quản lý, theo dõi chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và kết quả công tác kiểm sát; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo của VKSND cấp trên đối với VKSND cấp dưới, nhất là những đơn vị có yếu kém, có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; chú trọng kiểm tra đột xuất đối với VKSND cấp dưới khi phát hiện có sai phạm về nghiệp vụ để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; kịp thời tổng hợp vi phạm và ban hành thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác. 

Viện kiểm sát các cấp cần chủ động tổng hợp vi phạm, tồn tại, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời kiến nghị các biện pháp khắc phục phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn để nghiên cứu, góp ý trong việc xây dựng quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tham gia thực hiện quyền giám sát khi Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát tại cơ sở giam giữ, nhằm góp phần kiến nghị bảo đảm về điều kiện thi hành các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (buồng giam, buồng kỷ luật, thiết bị quan sát an ninh, cán bộ y tế, cán bộ quản giáo nữ...).

Ngoài ra, Viện kiểm sát cần chủ động nắm và cung cấp nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo thẩm quyền cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

P.V