Cao Bằng là một tỉnh miền núi địa bàn rộng nhưng dân cư thưa thớt, đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc trải dài qua hầu hết các huyện, địa hình hiểm trở... Với những đặc điểm riêng đó Cao Bằng dễ trở thành địa bàn cho một số loại tội phạm, nhất là các tội phạm về mua bán người, ma túy, kinh tế (buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới) phát triển.

Những năm qua, ngành Kiểm sát tỉnh Cao Bằng luôn xác định “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” là một trong những khâu công tác đột phá.

Tập thể lãnh đạo Viện đã chỉ đạo quyết liệt và không ngừng đổi mới, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, có hiệu quả để thực hiện tốt chủ trương này, như: Tạo điều kiện cho Kiểm sát viên (KSV) thực hành quyền công tố ngay từ khi CQĐT thụ lý tiếp nhận nguồn tin tội phạm; chỉ đạo KSV kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết 100% tố giác, tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiên quyết hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật; kịp thời yêu cầu khắc phục đối với thiếu sót, vi phạm không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Năm 2019, đơn vị đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp phù hợp với các quy định pháp luật mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn một cách hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tham gia hỏi cung trong một vụ án cho vay nặng lãi (ảnh minh hoạ)

Theo VKSND tỉnh Cao Bằng, để thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra là sự chủ động của VKS đối với hoạt động điều tra. KSV phải áp dụng mọi biện pháp theo quy định của pháp luật một cách chủ động, kịp thời kiểm sát chặt chẽ các thủ tục tố tụng và kết quả các hoạt động điều tra, khắc phục tình trạng thụ động chờ chuyển hồ sơ đến mới nghiên cứu, xét phê chuẩn hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Cụ thể, VKS phải chủ động phối hợp với CQĐT ngay từ khi tiếp nhận, kiểm tra xác minh xử lý tố giác tin báo về tội phạm; chủ động đề ra yêu cầu xác minh và nâng cao chất lượng trong nghiên cứu vụ việc khi CQĐT trao đổi quan điểm xử lý. Kiểm sát chặt chẽ căn cứ, thủ tục và thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để Điều tra viên thu thập, củng cố chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án. Quyết định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các căn cứ áp dụng thay đổi, hủy bỏ; chủ động phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên rà soát, đánh giá chứng cứ và các thủ tục, biện pháp tố tụng đã áp dụng trước khi kết thúc điều tra.

Mặt khác, tiếp tục đổi mới phương thức phối hợp với CQĐT. Tăng cường phối hợp giữa VKS và CQĐT ngay trong quá trình tổ chức thực hiện từng hoạt động điều tra, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, kịp thời phối hợp trao đổi. Trong quá trình phối hợp cần kiên định nguyên tắc “mềm dẻo nhưng cương quyết”. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định phối hợp theo hướng cụ thể nhưng không trái các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao chất lượng quản lý chỉ đạo điều hành công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Tiếp tục tham mưu cấp uỷ Đảng đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo tinh thần các đạo luật mới về tư pháp.

Nâng cao chất lượng quản lý chỉ đạo điều hành, quản lý chặt chẽ việc thụ lý và giải quyết các vụ án, không để án tồn đọng kéo dài hoặc không có quyết định xử lý. Tăng cường theo dõi, tổng hợp vi phạm và ban hành kiến nghị CQĐT đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Phân tích tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng phạm tội để tham mưu trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm và gắn đấu tranh phòng chống tội phạm với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, cần đổi mới phương thức đào tạo không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Đổi mới phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tập trung hướng tới các kỹ năng nghề nghiệp; cập nhật các kiến thức mới về pháp luật, về chính trị, kinh tế - xã hội và kiến thức về hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ; tổ chức tập huấn chuyên sâu (hình thức trực tuyến) về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra theo hướng tổng kết thực tiễn, giải quyết những khó khăn vướng mắc bất cập nảy sinh từ thực tiễn.

Mặt khác, mỗi KSV phải tự mình thường xuyên cập nhật, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi KSV có kinh nghiệm... nhằm đảm bảo có đội ngũ cán bộ, KSV đủ năng lực, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

P.V