Cụ thể, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đặt câu hỏi không quá chi tiết, cụ thể về hành vi bị xâm hại tình dục vì cần phải bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người bị hại vì như vậy sẽ gợi lại nỗi đau khổ của người bị hại dưới 18 tuổi.
Đối với việc đặt câu hỏi đối với bị cáo dưới 18 tuổi phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, nếu thấy họ chưa hiểu câu hỏi thì cần nhắc lại và có thể giải thích cho rõ hơn; không được tỏ thái độ gay gắt mà phải làm cho người dưới 18 tuổi hiểu, bình tĩnh trả lời đúng câu hỏi; kết hợp xét hỏi đại diện gia đình, nhà trường để xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo là người dưới 18 tuổi, trên cơ sở đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các biện pháp xử lý cho phù hợp.
|
|
Quang cảnh hội thảo tham vấn về giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên do VKSND tối cao tổ chức |
Đặt câu hỏi rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại dưới 18 tuổi; không có thái độ căng thẳng, ép buộc họ phải trình bày, khai báo. Có biện pháp phù hợp để người bị hại dưới 18 tuổi khai trước toà, nhất là cách thức hỏi để bảo đảm lời khai của họ là trung thực, không bị chi phối, tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, nhất là từ phía bị cáo.
Đối với những người tham gia tố tụng có vai trò làm rõ sự những tình tiết khách quan của vụ án như người làm chứng, người giám định thì có thể hỏi trực diện vào vấn đề cần làm rõ.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng, hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội (Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự). Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích và lợi ích cho người bị hại (Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự).
|
|
Phiên toà xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em (ảnh minh hoạ) |
Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận mà phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến.
Lãnh đạo Vụ 14 cũng cho rằng, tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi là những tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, có xu hướng phát triển và gây bức xúc trong đời sống xã hội. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi được pháp luật bảo vệ, cụ thể đã xâm phạm đến sự an toàn, đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị hại, gây mất trật tự trị an và bị lên án mạnh mẽ trong dư luận xã hội, cần phải được xử phạt nghiêm minh để vừa có tác dụng trừng trị, giáo dục người phạm tội, đồng thời góp phần ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội nguy hiểm này. Do đó, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, nhất là áp dụng Điều 66 Bộ luật Hình sự về xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo phải hết sức thận trọng.
Cùng với đó, trong trường hợp vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi thì Hội đồng xét xử phải chú ý: Trong mọi quyết định thì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phải được ưu tiên; cần phải cân nhắc giữa lợi ích của bị cáo với lợi ích của người bị hại là người dưới 18 tuổi và lợi ích của cộng đồng nhưng những gì là tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì cần được ưu tiên.