Hạn chế tối đa số lần xem xét dấu vết trên thân thể đối với người bị xâm hại dưới 18 tuổi
VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (TTLT số 01/2022)
Theo TTLT số 01/2022, việc phối hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, về trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 201 và Điều 202 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trước khi khám nghiệm, Điều tra viên chủ trì cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cần khám nghiệm cho Kiểm sát viên biết để thực hiện việc kiểm sát. Điều tra viên chủ động trao đổi với Kiểm sát viên, Giám định viên, người có chuyên môn khi phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi trong khi khám nghiệm để bảo đảm việc khám nghiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên về những nội dung phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi. Trường hợp không thống nhất được các nội dung cần thu thập chứng cứ thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để kịp thời xử lý theo quy định.
Việc phối hợp xem xét dấu vết trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật Tố tụng hình sự và bảo đảm hạn chế tối đa phải thực hiện nhiều lần đối với người bị xâm hại dưới 18 tuổi.
Quá trình xem xét dấu vết trên thân thể, thực hiện việc giám định phải ghi nhận đầy đủ trong biên bản ghi nhận dấu vết trên thân thể, đánh dấu vị trí thương tích, chụp ảnh dấu vết thương tích. Nếu nhận thấy người bị xâm hại có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý thì mời và phối hợp với cha, mẹ, người thân trong gia đình, chuyên gia tâm lý, người đang có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cùng cấp nơi phát hiện người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục tham gia hỗ trợ.
Phối hợp hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục
Về phối hợp trong việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, TTLT số 01/2022 quy định, việc lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều 188, Điều 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018.
|
|
Kiểm sát viên cần chủ động, tích cực tìm tòi, học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi. (Ảnh minh họa) |
Trường hợp người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý, Điều tra viên có thể mời thêm người thân trong gia đình, đại diện nhà trường, chuyên gia tâm lý, đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các tổ chức, cá nhân khác tham gia khi lấy lời khai để phối hợp hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục. Người được mời tham gia có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Điều tra viên ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục và phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc lấy lời khai.
Hoạt động lấy lời khai người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại các Điều 183, 186, 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 và quy định tương ứng tại Khoản 1 Điều này.
Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai, hỏi cung của Điều tra viên; nếu thấy lời khai chưa rõ, còn mâu thuẫn, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai, hỏi cung bổ sung; nếu phát hiện có vi phạm trong việc lấy lời khai, hỏi cung thì yêu cầu Điều tra viên khắc phục ngay. Điều tra viên có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Kiểm sát viên.
Nếu thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung. Điều tra viên có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để Kiểm sát viên lấy lời khai, hỏi cung theo quy định pháp luật. Trường hợp cần ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp cung cấp cho Kiểm sát viên biết về diễn biến tâm lý, thái độ của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và các thông tin liên quan để phục vụ việc lấy lời khai và hỏi cung.
Liên quan đến nội dung Viện kiểm sát trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra, TTLT số 01/2022 nêu rõ, trong giai đoạn truy tố, nếu chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ mà thấy có thể tự khắc phục được thì Kiểm sát viên và Điều tra viên phối hợp thu thập chứng cứ. Nếu không thể khắc tự phục thì Viện kiểm sát trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.
Trường hợp thấy cần thiết phải trực tiếp kiểm tra hiện trường, xem xét các vật chứng, dấu vết thì Kiểm sát viên trao đổi để Điều tra viên phối hợp thực hiện. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động trên.
Trường hợp cần dựng lại hiện trường vụ án, diễn lại tình huống thực nghiệm điều tra đơn giản thì Kiểm sát viên chủ trì, phối hợp với Điều tra viên để thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trong phối hợp thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, theo TTLT số 01/2022, trường hợp vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nếu cần thu thập chứng cứ, lấy lời khai người tham gia tố tụng đang ở nước ngoài thì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi phối hợp với VKSND tối cao để thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp hình sự.
Trường hợp cần phối hợp thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ ở nước ngoài, nhận dạng người hoặc đồ vật bằng hình thức trực tuyến thì cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp với VKSND tối cao trao đổi với cơ quan tư pháp nước có liên quan để phối hợp thực hiện.
Khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp của phía nước ngoài, VKSND tối cao kịp thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp kết quả ủy thác tư pháp chưa đầy đủ thì cơ quan tiến hành tố tụng lập yêu cầu ủy thác tư pháp phối hợp với VKSND tối cao tiếp tục đề nghị cơ quan nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp bổ sung.
Về đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra, TTLT số 01/2022 quy định, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp hỗ trợ Điều tra viên điều tra thu thập chứng cứ chứng minh sự thật vụ án, chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Nội dung yêu cầu điều tra phải rõ ràng, cụ thể, thực chất và đầy đủ, bảo đảm việc điều tra vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Điều tra viên phải thực hiện đầy đủ các nội dung của yêu cầu điều tra, chủ động trao đổi với Kiểm sát viên về những nội dung cần điều tra. Trường hợp việc thu thập chứng cứ khó khăn thì Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá để thống nhất những vấn đề cần điều tra, nếu vẫn không thống nhất được thì báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để chỉ đạo giải quyết. |