Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Kiểm sát viên thực hiện hoạt động này trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ vụ án xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm cho việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 14 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/2017/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
|
|
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự (Ảnh: Duy Phương) |
Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/8/2016 về việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS đã quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện quyền này. Theo đó: Trước khi mở phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự.
Văn bản yêu cầu phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Tòa án gửi cho Kiểm sát viên bản sao tài liệu, chứng cứ ngay sau khi Tòa án thu thập được. Nếu tại phiên tòa, phiên họp, Tòa án mới nhận được tài liệu, chứng cứ đó thì Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 254, khoản 1 Điều 303 BLTTDS.
Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS, Thẩm phán, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên. Trường hợp Thẩm phán, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên thì phải nêu rõ lý do, Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp và việc Thẩm phán, Hội đồng chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.
Trường hợp đã tạm ngừng phiên tòa, phiên họp nhưng việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được thì trước ngày Tòa án tiếp tục xét xử vụ án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài việc nắm vững quy định của BLTTDS, thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương và các quy chế nghiệp vụ của Ngành, để nâng cao chất lượng yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên còn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
Thứ nhất, vì thời hạn chuyển trả hồ sơ cho Tòa án rất ngắn (chỉ 15 ngày), trong thời hạn đó lại phải thực hiện rất nhiều hoạt động như nghiên cứu, số hóa hồ sơ, trích cứu tài liệu, chứng cứ, báo cáo án…, do đó, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án, Kiểm sát viên cần nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ để kịp thời phát hiện các nội dung còn thiếu sót, chưa đầy đủ, có vi phạm, qua đó kịp thời yêu cầu Tòa án khắc phục, xác minh, bổ sung chứng cứ.
Về phương pháp nghiên cứu hồ sơ, kinh nghiệm của chúng tôi là nghiên cứu thủ tục tố tụng của vụ án trước, sau đó hệ thống lại và nghiên cứu về nội dung vụ án theo thứ tự như: yêu cầu của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình để chứng minh cho yêu cầu của mình; ý kiến và các tài liệu, chứng cứ do bị đơn xuất trình; ý kiến và các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cũng như người tham gia tố tụng khác xuất trình; các tài liệu, chứng cứ do Tòa án xác minh, thu thập trong quá trình giải quyết vụ án…Trong khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ cần kết hợp trích cứu để nắm chắc nội dung của tài liệu, chứng cứ đang nghiên cứu, đồng thời giúp phát hiện những điểm chưa đầy đủ, mâu thuẫn, vi phạm trong hồ sơ.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, xét thấy Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, cần phải yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về căn cứ, lý do và các vấn đề phải xác minh, thu thập bổ sung. nếu được lãnh đạo đồng ý, Kiểm sát viên tiến hành xây dựng văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Thứ hai, nhằm tránh bỏ sót các nội dung cần phải xác minh, thu thập, quá trình nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên chú trọng ghi chép, tổng hợp, phân loại các tài liệu có trong hồ sơ thành các nhóm, nêu cụ thể tên tài liệu, số bút lục, nội dung vi phạm, rồi tiến hành xem xét, nghiên cứu biện pháp khắc phục, sửa chữa, bổ sung, chẳng hạn:
- Những vi phạm, sai sót về thủ tục tố tụng: vi phạm trong việc tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; biên bản ghi lời khai ngày 8/11/2021 có sửa chữa, tẩy xóa nhưng chưa có chữ ký xác nhận của nguyên đơn, người làm chứng…
- Các vấn đề chưa làm rõ như lãi suất điều chỉnh theo từng kỳ trong hợp đồng tín dụng, Tòa án chưa thu thập ý kiến của con chung trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn, xác định chưa đầy đủ di sản cũng như những người thừa kế theo pháp luật của người chết.
- Các mâu thuẫn trong hồ sơ như văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã tại bút lục 32 mâu thuẫn với lời khai của nguyên đơn, bị đơn tại các bút lục số 40, 41, 43 về thời điểm chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Thứ ba, Văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo mẫu do VKSND tối cao ban hành. Yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, có khả năng thực hiện được. Yêu cầu vấn đề gì phải chỉ rõ vì sao phải xác minh, bổ sung chứng cứ, thu thập bằng biện pháp nào. Ví dụ: Tòa án chưa ghi nhận ý kiến của con chung trên 7 tuổi trong vụ án ly hôn, vì vậy, Tòa án cần tiến hành lấy lời khai cháu A, cháu B để xem xét nguyện vọng của các cháu muốn ở với bố hay mẹ.
Nếu được lãnh đạo Viện kiểm sát đồng ý đề xuất và đồng ý việc Kiểm sát viên ký văn bản yêu cầu thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa ký văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Thứ tư, sau khi ban hành bản yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên lưu ý theo dõi việc Tòa án thực hiện yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, chuyển giao chứng cứ đã xác minh, thu thập được hoặc thông báo việc Tòa án không thực hiện được, Tòa án thấy không cần thiết phải thực hiện việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để nắm chắc nội dung các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án bổ sung, các nội dung Tòa án không thực hiện hoặc không thể thực hiện được, tạo sự chủ động khi tham gia phiên tòa.
Thứ năm, trường hợp đến thời điểm mở phiên tòa mà yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Kiểm sát viên vẫn chưa được thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ, chưa bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đề nghị tạm ngừng phiên tòa để tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu và tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên vẫn phải tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử đề nghị phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên chỉ phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và người tham gia tố tụng; nêu rõ lý do và không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên tòa, bảo đảm thể hiện đầy đủ diễn biến, các ý kiến của Kiểm sát viên. Ngay sau phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét, quyết định.