Theo đó, 2 vụ án dân sự được đưa ra xét xử gồm: vụ án “Tranh chấp kiện đòi quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị B. (SN 1958, trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình) – bị đơn là anh Nguyễn Duy T. (SN 1991, trú tại thôn Lỗ Trường, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình) và “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thường Tín - bị đơn là ông Bùi Đăng Th. (SN 1979, trú tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Công tác chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa đã được Kiểm sát viên thực hiện đảm bảo đúng quy định. Hồ sơ kiểm sát được xây dựng đúng theo yêu cầu của Ngành, các tài liệu cần cho việc tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên như: Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, trích cứu hồ sơ, đề cương hỏi, dự kiến tình huống; dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa...
Các tài liệu chuẩn bị tham gia xét xử đã được gửi cho các đồng chí tham dự phiên tòa để nghiên cứu nắm được nội dung vụ án, thuận lợi cho việc theo dõi diễn biến phiên tòa. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã làm tốt vai trò kiểm sát xét xử cụ thể là kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng, công bố tài liệu bằng hình ảnh.
Phần hỏi, Kiểm sát viên đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung nghe câu trả lời của đương sự và ghi lại thông tin câu trả lời. Bổ sung kịp thời các vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa làm rõ, góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án…
Nhờ ghi chép diễn biến phiên tòa mà Kiểm sát viên đã kịp thời điều chỉnh bài phát biểu tại phiên tòa đúng với diễn biến và đúng quy định của pháp luật. Kết quả, Hội đồng xét xử đồng quan điểm đề xuất giải quyết vụ án của Viện kiểm sát.
Sau khi kết thúc hai phiên tòa, Viện kiểm sát và TAND huyện Thái Thụy tiến hành tổ chức cuộc họp liên ngành để rút kinh nghiệm. Với tinh thần trách nhiệm, các đồng chí tham dự phiên tòa đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến về những ưu điểm cũng như chỉ ra những mặt còn tồn tại trong hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký và hoạt động kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa để cùng nhau rút kinh nghiệm chung trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.