Đây là nội dung được VKSND tối cao (Vụ 7) đề cập tại Hướng dẫn về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2022.
Theo đó, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án được phân công, dự thảo đề cương xét hỏi, chi tiết, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa để chủ động tranh tụng; nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, Quy chế của Ngành, của đơn vị, bảo đảm chất lượng nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho hoạt động xét xử tại phiên tòa.
Đối với những vụ án phức tạp, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp nghe báo cáo án, lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Khi cần thiết có thể tổ chức họp hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát trước khi xét xử đối với những vụ án phức tạp, trái quan điểm, những vụ án mà bị can không nhận tội.
Quá trình xét xử, Kiểm sát viên phải tích cực chủ động tham gia xét hỏi để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát; ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, trong đó có các câu hỏi và câu trả lời của bị cáo về hành vi phạm tội và các tình tiết liên quan đến vụ án để cập nhật, bổ sung vào luận tội; không để tình trạng đưa ra nhận định chưa đủ căn cứ, thiếu tính thuyết phục, phiến diện, dẫn đến không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Cùng với đó, Kiểm sát viên phải lập biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa đối với vụ án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát và Tòa án.
Phải kiên quyết kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đối với những vụ án có vi phạm, việc giải quyết vụ án không khách quan, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm được lập theo đúng quy định của Ngành, phản ánh đầy đủ, rõ ràng các thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên và công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Viện.
|
|
Nữ Kiểm sát viên luận tội tại phiên tòa hình sự sơ thẩm trong vụ án "cô gái giao gà" ở Điện Biên. (Ảnh minh hoạ: Báo BVPL) |
Đồng thời, thực hiện kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu xử lý, khắc phục và phòng ngừa chung.
Trong công tác kháng nghị, kiến nghị, Viện kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về kháng nghị án hình sự nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Quán triệt, thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 13/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác quản lý các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 5/8/2020 về công tác kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhằm kiểm tra tính có căn cứ của bản án, quyết định, phục vụ cho công tác kháng nghị, kiến nghị; Hướng dẫn số 23/HD VKSTC ngày 22/4/2021 về kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự.
Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ kiểm sát xét xử hình sự để nâng số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp của Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện. Kiên quyết kháng nghị nếu phát hiện bản án, quyết định có vi phạm nghiêm trọng, qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Đối với vi phạm chưa đến mức hoặc không cần thiết kháng nghị cần tổng hợp, ban hành kiến nghị kịp thời, để không lặp lại những vi phạm tương tự trong thời gian tới, hoặc kiến nghị yêu cầu khắc phục sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế xã hội là điều kiện, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm.
Hàng tháng, Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi đầy đủ danh sách các vụ án xét xử trong tháng để Viện kiểm sát cấp trên nắm được; bản án, quyết định, có danh sách kèm theo, thống kê số liệu vào báo cáo tháng gửi Viện kiểm sát cấp trên để thực hiện công tác kiểm sát bản án và theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, VKSND tối cao yêu cầu cần tăng cường quan hệ phối hợp công tác trong và ngoài ngành Kiểm sát, chú trọng phối hợp với cơ quan Tòa án, Công an, tư pháp cùng cấp và các ban, ngành liên quan trong việc nắm bắt thông tin về các vụ việc liên quan đến trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, đặc biệt là các vụ việc yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm, dư luận xã hội quan tâm.