Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 đã quy định đối với 2 hoạt động điều tra là khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát. Nhằm tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong các hoạt động điều tra, bảo đảm các hoạt động này thực hiện khách quan, đúng pháp luật, ngoài khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm 5 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia, đó là: đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét, thực nghiệm điều tra.

Trên cơ sở quy định của BLTTHS năm 2015, các văn bản pháp luật có liên quan và thực tiễn công tác kiểm sát, chúng tôi rút ra một số nội dung Kiểm sát viên cần quan tâm để có thể kiểm sát một cách chặt chẽ, có hiệu quả 7 hoạt động điều tra này của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cụ thể:

1. Giai đoạn chuẩn bị:

- trước khi đối chất, Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác định chính xác các mâu thuẫn cần giải quyết thông qua đối chất và nguyên nhân của những mâu thuẩn đó (một hoặc các bên cố tình khai báo gian dối, khai báo nhầm lẫn). Với những vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ xem, ngoài đối chất ra, còn biện pháp nào khác để giải quyết mâu thuẫn không? Nếu mâu thuẫn có thể giải quyết bằng biện pháp điều tra khác, thì cần trao đổi, đề nghị Điều tra viên thực hiện biện pháp điều tra khác, thay vì đối chất. chỉ khi có đủ căn cứ xác định, nếu không đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, thì không thể giải quyết được vụ án, lúc đó Điều tra viên mới cho họ đối chất.

leftcenterrightdel
 KSV giám sát quá trình cân trọng lượng tang vật ma túy. Ảnh Lò An

- Trước khi nhận dạng, Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá việc lựa chọn người nhận dạng, đối tượng nhận dạng của Điều tra viên đã chính xác, hợp lý chưa? Theo quy định tại Điều 190 BLTTHS năm 2015, người nhận dạng phải là người làm chứng, bị hại hoặc bị can; đối tượng nhận dạng là người, ảnh hoặc vật. số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi. Qua nghiên cứu, nếu thấy có điều gì chưa đúng, Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên để bổ sung, sửa chữa kịp thời trước khi tổ chức việc nhận dạng.

Một điều nữa Kiểm sát viên cần quan tâm trước khi tham gia việc nhận dạng, đó là kiểm tra xem Điều tra viên đã hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được hay chưa? Nếu đã hỏi rồi thì đã đầy đủ, rõ ràng hay chưa? Còn nếu phát hiện Điều tra viên chưa hỏi trước người nhận dạng hoặc có hỏi nhưng còn chung chung, không rõ ràng, thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai người nhận dạng một cách cụ thể, đầy đủ trước khi tổ chức việc nhận dạng.

- trước khi nhận biết giọng nói, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án xem Điều tra viên đã hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói hay chưa? Việc hỏi đã rõ ràng, cụ thể về đặc điểm của giọng nói cần nhận biết chưa?

Nếu Điều tra viên chưa hỏi trước thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thực hiện rồi mới tổ chức việc nhận biết giọng nói. Nếu Điều tra viên đã lấy lời khai người được yêu cầu nhận biết giọng nói, thì Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ nội dung lời khai của người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ nhận biết được giọng nói, khả năng nhận biết giọng nói của họ cũng như điều kiện, hoàn cảnh lúc họ trực tiếp nghe giọng nói, sau đó đánh giá việc tổ chức nhận biết giọng nói có đạt hiệu quả không? Có cần thiết không?

Trường hợp nhận thấy việc Điều tra viên tổ chức nhận biết giọng nói là cần thiết, Kiểm sát viên xem xét việc lựa chọn người được yêu cầu nhận biết giọng nói, người được đưa ra để nhận biết giọng nói của Điều tra viên đã chính xác chưa? Nếu có người chưa phù hợp, Kiểm sát viên chủ động đề nghị Điều tra viên điều chỉnh, thay đổi. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên chủ động trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về kế hoạch nhận biết giọng nói nhằm bảo đảm hoạt động này đạt kết quả tốt nhất.

- Trước khi thực nghiệm điều tra, Kiểm sát viên cần nghiên cứu hồ sơ vụ án, nội dung và kế hoạch thực nghiệm điều tra, xây dựng kế hoạch kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên cũng nên chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch, nội dung, phương pháp tiến hành để việc thực nghiệm điều tra được chính xác, đầy đủ.

- Trước khi khám xét, Kiểm sát viên xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của việc khám xét, chủ động trao đổi với người thi hành lệnh khám xét về cách thức tiến hành khám xét, thống nhất kế hoạch khám xét, trong đó cần quan tâm đến việc dự kiến và xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi khám xét như người bị khám xét chống đối lực lượng khám xét hoặc bỏ trốn để việc khám xét được tiến hành nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

- Trước khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình, yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo nội dung, diễn biến ban đầu của sự việc xảy ra, công tác bảo vệ hiện trường, để tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị khám nghiệm, phương pháp khám nghiệm.

- Trước khi khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên để thống nhất nội dung, kế hoạch khám nghiệm tử thi. Trước khi khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thông báo tóm tắt nội dung vụ việc, thành phần tiến hành, tham gia khám nghiệm, thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm.

leftcenterrightdel
  Kiểm sát viên, Điều tra viên lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép chất ma tuý.

2. Giai đoạn tiến hành:

Giai đoạn này, Kiểm sát viên cần quan tâm kiểm sát về thành phần tham gia hoạt động điều tra, việc Điều tra viên giải thích quyền, nghĩa vụ của những người tham gia, việc giải quyết các yêu cầu, đề nghị của họ (nếu có); chú ý lắng nghe lời nói, quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của những người tham gia; kết thúc hoạt động điều tra, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ biên bản, bảo đảm đúng và phù hợp với thực tế trước khi ký vào biên bản tiến hành các hoạt động điều tra…

Ngoài một số vấn đề chung như trên, thì đối với mỗi hoạt động điều tra, có những điểm riêng mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi trực tiếp kiểm sát, cụ thể:

- Khi đối chất, Kiểm sát viên cần chú trọng kiểm sát việc thực hiện các quy định: khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người. Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và câu trả lời của những người này phải ghi vào biên bản. Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.

- Khi nhận dạng, nếu có nhiều người nhận dạng cùng tham gia việc nhận dạng, thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải tổ chức nhận dạng riêng đối với từng người.

Kiểm sát việc đưa đối tượng nhận dạng ra để nhận dạng: đối tượng đưa ra để nhận dạng là người, ảnh hay vật; số lượng ít nhất phải là ba, trong đó đối tượng nhận dạng tương tự là người thì cần xem xét người đó có cùng giới, gần giống đối tượng nhận dạng chính về chiều cao, màu da, độ tuổi...hay không? Đối tượng tương tự là vật thì cần xem xét vật đó có cùng loại, gần giống đối tượng nhận dạng chính về kích thước, màu sắc... Xem xét hoàn cảnh, điều kiện tiến hành nhận dạng có tương tự với hoàn cảnh, điều kiện mà người nhận dạng đã tri giác đối tượng trước đây hay không? Đây là cơ sở để đánh giá chính xác, khách quan kết quả hoạt động nhận dạng.

Kiểm sát cách đặt câu hỏi của Điều tra viên và lời khai báo của người nhận dạng. nếu Điều tra viên đặt câu hỏi mang tính chất gợi ý đối với người nhận dạng thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên chấm dứt ngay hành vi đó. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên phải yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó. Nếu Điều tra viên không thực hiện thì Kiểm sát viên kịp thời yêu cầu thực hiện.

leftcenterrightdel
 Tổ chức nhận dạng Trần Thị Hiền - mẹ nữ sinh giao gà, trong vụ án gây xôn xao dư luận đầu năm 2019. Ảnh Thành Trung

- Khi nhận biết giọng nói, Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên kiểm tra giác quan (thính giác) của người được yêu cầu nhận biết giọng nói, đánh giá sự thay đổi so với thời điểm người đó nghe được giọng nói trước đây. xem xét hoàn cảnh, điều kiện tiến hành nhận biết giọng nói có tương tự với hoàn cảnh, điều kiện mà người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã nghe được giọng nói của đối tượng trước đây hay không?

Khi Điều tra viên đặt câu hỏi cho người tham gia nhận biết giọng nói, Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe, phân tích các câu hỏi của Điều tra viên và lời khai báo của người tham gia, nhất là người được yêu cầu nhận biết giọng nói. Nếu Điều tra viên đặt câu hỏi mang tính chất gợi ý đối với người được yêu cầu nhận biết giọng nói thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên thay đổi cách đặt câu hỏi. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên phải yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó. Kiểm sát viên phải lưu ý đề nghị Điều tra viên thực hiện quy định này.

- Khi thực nghiệm điều tra, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện từng hoạt động thực nghiệm của Điều tra viên, nếu thấy chưa đúng, chưa đầy đủ thì yêu cầu thực hiện lại. 

- Khi khám xét, nếu khám người, Kiểm sát viên kiểm sát việc giải thích, thi hành lệnh khám xét của Điều tra viên. Chỉ bắt đầu khám xét sau khi yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án nhưng họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật. Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện. Việc khám xét phải có người khác cùng giới chứng kiến và không thuộc các trường hợp không được làm người chứng kiến quy định tại khoản 2 Điều 67 BLTTHS năm 2015. Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên cũng cần trao đổi, đề nghị người tiến hành khám xét khám xét cụ thể, tỷ mỹ, lưu ý những chỗ kín đáo trên người, trên áo quần của người bị khám xét.

Trường hợp khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, Kiểm sát viên chọn vị trí thuận lợi để có thể quan sát tổng thể về nơi phải khám xét, xem xét, đánh giá về phạm vi cần phải khám xét, các vị trí có thể cất giấu đồ vật, tài liệu cần thu giữ, trao đổi với người tiến hành khám xét về chiến thuật khám xét thích hợp. Khi việc khám xét bắt đầu, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc tìm kiếm, thu thập, bảo quản tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án của người tiến hành khám xét, kịp thời yêu cầu khám xét tại các vị trí, khu vực nghi ngờ cất giấu đồ vật, tài liệu, bảo đảm không bỏ sót bất kỳ khu vực, vị trí nào trong phạm vi khám xét, bảo đảm việc khám xét không xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu phát hiện người tiến hành khám xét thực hiện việc khám xét chưa đúng quy định thì Kiểm sát viên kịp thời yêu cầu bổ sung, khắc phục. Các yêu cầu của Kiểm sát viên nếu không được tiếp thu, thực hiện thì Kiểm sát viên yêu cầu đưa vào biên bản khám xét, rồi báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, quyết định.

- Khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên cần nghiên cứu, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Điều 201 BLTTHS năm 2015, các điều 26 đến 30 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 111).

Khi tiếp cận hiện trường, Kiểm sát viên chủ động nắm tình hình, yêu cầu Điều tra viên thông báo nội dung, diễn biến ban đầu của sự việc xảy ra, lựa chọn vị trí thích hợp để có thể quan sát tổng quát hiện trường, xác định phạm vi, các khu vực cụ thể của hiện trường, những nơi có thể tồn tại dấu vết, vật chứng, đồ vật tại hiện trường, xem xét công tác bảo vệ hiện trường. phối hợp cùng Điều tra viên đánh giá hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn, các biện pháp cần thiết phải tiến hành để giữ gìn sự nguyên vẹn của dấu vết, vật chứng, xem xét khả năng truy tìm đối tượng theo dấu vết nóng, cần mở rộng hay thu hẹp phạm vi hiện trường, các phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp với thực tế hiện trường.

Kiểm sát việc lấy lời khai những người biết sự việc ngay tại hiện trường, nếu thấy người làm chứng, người bị hại hoặc đối tượng có thể chết hoặc mất khả năng khai báo, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra lấy ngay lời khai và ghi âm lời khai của họ.

Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các tình tiết, đặc điểm, vị trí của dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu quan trọng tại hiện trường để có cơ sở xem xét đối chiếu, kiểm tra với biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, xem xét tại chỗ dấu vết, đồ vật, tài liệu có liên quan đến tội phạm, lấy lời khai và ghi âm lời khai của người bị hại, người làm chứng và những người biết việc.

Kiểm sát viên đề ra yêu cầu khám nghiệm trên cơ sở nghiên cứu cơ chế, quy luật hình thành dấu vết để có thể phát hiện, xác định được loại dấu vết; dấu vết hình thành đúng hay trái với quy luật thông thường, sự mâu thuẫn giữa các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử để kịp thời yêu cầu thu thập đầy đủ; tránh trường hợp làm mất, hư hỏng các dấu vết hoặc làm thay đổi tình trạng hiện trường.

Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người có chuyên môn phân tích, đánh giá các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ được tại hiện trường để đặt ra các giả thuyết điều tra, định hướng cho việc khám nghiệm, thu giữ dấu vết được đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác truy tìm vật chứng, truy bắt người thực hiện hành vi phạm tội.

leftcenterrightdel
 KSV trực tiếp kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án. Ảnh Bùi Tiến

Nếu thấy việc khám nghiệm hiện trường chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 201 BLTTHS năm 2015 thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người có chuyên môn bổ sung, khắc phục; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xin ý kiến chỉ đạo; yêu cầu Điều tra viên ghi ý kiến của mình vào biên bản khám nghiệm.

Những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong theo quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên phải có trách nhiệm phối hợp cùng Điều tra viên, Cán bộ điều tra phân tích, đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường; xem xét quyết định kết thúc khám nghiệm hoặc tiếp tục bảo vệ hiện trường để có thể khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại; xác định rõ những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được trưng cầu giám định, nội dung cần trưng cầu để phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết vụ án.

Trường hợp ý kiến giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên không thống nhất  thì Kiểm sát viên yêu cầu ghi ý kiến của mình vào biên bản và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện sau khi kết thúc khám nghiệm.

- Khi khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự tiến hành chụp ảnh, mô tả đầy đủ dấu vết để lại trên tử thi, thu thập, bảo quản mẫu vật, phục vụ công tác giám định để xác định nguyên nhân chết hoặc truy tìm tung tích của nạn nhân.

Nếu thấy việc khám nghiệm tử thi chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 202 BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự bổ sung, khắc phục; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì yêu cầu ghi ý kiến của Kiểm sát viên vào biên bản khám nghiệm và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.

Trường hợp phải khai quật tử thi, Kiểm sát viên phải kiểm sát về trình tự, thủ tục, bảo đảm việc khai quật tử thi để khám nghiệm đúng quy định tại Điều 202 BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Giai đoạn kết thúc:

Sau khi tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên có báo cáo đầy đủ nội dung sự việc, quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên đến lãnh đạo Viện kiểm sát.

Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế