Năm 2019, số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 94 trường hợp. Trong 4 tháng đầu năm 2020, số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 35 trường hợp thì có tới 16 trường hợp tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 40% tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,4% so với cả năm 2019.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng trên là do bản thân nhiều người nghiện ma túy chưa có ý thức cai nghiện, khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn bằng hình thức cai nghiện tại nhà họ dễ dàng bỏ dở quá trình cai nghiện, nhất là khi không được gia đình quan tâm, chia sẻ và động viên.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cai nghiện tại gia đình, chưa triển khai thực hiện nghiêm túc công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, chưa phát huy được sự tham gia phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện phục hồi...
Để hạn chế tình trạng trên, VKSND thị xã Cai Lậy kiến nghị đến Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy trong phạm vi quyền hạn trách nhiệm của mình quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số biện pháp, giải pháp như sau:
Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đặc biệt là vai trò của các đơn vị, địa phương cấp xã trong công tác theo dõi, quản lý người nghiện ma túy và xử lý hành chính đối với người nghiện theo đúng quy định pháp luật.
Chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường cùng phối hợp chặt chẽ trong việc giúp đỡ và hỗ trợ tạo việc làm, vốn, kinh nghiệm sản xuất để người cai nghiện có cơ hội ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng qua đó phòng, chống tái sử dụng ma túy.
Chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường công tác quản lý hành chính, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để phát hiện và đưa vào danh sách quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy để có các biện pháp quản lý và vận động người sử dụng, người nghiện ma túy đăng ký tham gia các hình thức dự phòng nghiện ma túy hoặc điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp; tích cực lập hồ sơ đưa người nghiện vào quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quy định.
Đẩy mạnh công tác vận động nhân dân tham gia phong trào phòng, chống ma túy ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư. Tổ chức các hoạt động tuần tra nhân dân trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
Thành lập thêm các điểm tư vấn - hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng để những gia đình có người thân sử dụng ma túy được tư vấn, hướng dẫn lựa chọn chương trình điều trị nghiện cho phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện hoàn cảnh. Kết hợp tư vấn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghiện và thân nhân của họ, tổ chức kết nối gia đình, chính quyền cơ sở cai nghiện ma túy trong việc hỗ trợ điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng. Hỗ trợ tập huấn, kỹ năng cho các đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã khi có nhu cầu.