Nghị quyết 03/2019 của Hội đồng Thẩm phán đã hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng quy định rửa tiền trong bộ luật Hình sự. Trong đó làm rõ thêm các thuật ngữ sử dụng trong luật, các tình tiết định tội, cũng như định khung.

leftcenterrightdel
 

Thói quen dùng tiền mặt “tiếp sức” cho tội phạm rửa tiền

Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực tiễn trong phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. 

Ngày 23/5/2019 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về Tội Rửa tiền; Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/7/2019. Trong đó làm rõ thêm các thuật ngữ sử dụng trong luật, các tình tiết định tội, cũng như định khung. Theo đó, việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (như chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế  - Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế - FATF, tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự...).

Nghị quyết số 03 hướng dẫn nhiều nội dung, trong đó có các nội dung như: thế nào là “tiền, tài sản do phạm tội mà có”; thế nào là “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”; hướng dẫn về tội phạm nguồn và các tình tiết định tội, định khung hình phạt khác… Đây đều là những vấn đề mà thời gian qua còn có rất nhiều ý kiến, nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là quan điểm không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nghị quyết sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan tố tụng mạnh tay hơn với tội phạm rửa tiền; đồng thời, cũng thể hiện được cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc phòng chống các loại tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền. 

Xử lý nghiêm đối với tội phạm rửa tiền

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong BLHS và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của Tội Rửa tiền, như: Tội Giết người; Mua bán người; Buôn lậu; Thao túng thị trường chứng khoán; Mua bán trái phép chất ma túy; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện cũng được coi là tội phạm nguồn. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn, và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền, một lần nữa khẳng định tinh thần khẩn trương và hết sức nghiêm túc, trách nhiệm của Lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong công tác triển khai thi hành BLHS năm 2015 và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bên cạnh đó là sự phối hợp hiệu quả giữa TAND tối cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Việc Nghị quyết đưa ra hướng dẫn các nội dung nêu trên sẽ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và giải quyết được những vấn đề mà bài toán thực tiễn đã đặt ra, qua đó tháo gỡ khó khăn cho thực tiễn, xử lý nghiêm minh đối với tội phạm rửa tiền, góp phần làm minh bạch, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn rất sinh động, tình hình tội phạm luôn diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải liên tục theo dõi, bám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn, từ đó có những hướng dẫn bổ sung kịp thời. Mục tiêu là bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam: Với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá đa phương của nhóm châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền. Khuôn khổ pháp lý để điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền đóng vai trò quan trọng để chứng minh về tính hiệu quả cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND tối cao: Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được ban hành sẽ cơ bản khắc phục được các khó khăn vướng mắc, đây là cơ sở để các cơ quan tố tụng áp dụng thống nhất pháp luật hình sự trong việc xử lý đối với tội phạm rửa tiền, qua đó tác động tích cực đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng, tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung.


Hà Nhân