Phải định nghĩa tường minh về tin sai, tin giả

Tại phiên chất vấn sáng nay, đai biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt gửi đến  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) câu hỏi về quản lý nhà nước trên môi trường mạng: “Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, Bộ TT&TT đã tập trung xử lý giải quyết nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây lo lắng, bất an cho gia đình, xã hội và đất nước. Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá. Bộ trưởng có cam kết ngăn chặn, xử lý kịp thời vấn đề trên?”,  đại biểu đặt câu hỏi.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng  

Trước đó, trong cuối giờ chiều 31/10 đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu câu hỏi:”Từ đầu nhiệm kỳ Quốc khóa 13 và khóa này, đại biểu chất vấn rất nhiều lần Bộ TT&TT về nạn SIM rác. Sau những giải pháp của Bộ, nạn SIM rác vẫn còn tồn tại. Vậy có thể chấm dứt được nạn SIM rác không?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn.

Để xử lý tin sai trên không gian mạng thì có thể sử dụng logic trong đời thực, Bộ trưởng TT&TT cho rằng, thứ nhất phải định nghĩa tường minh về tin sai, tin giả, cái này phải ban hành một số qui định pháp luật. Bộ TT&TT đã xây dựng Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, lắng nghe, đã phát hiện và phân loại được thông tin”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, phải có công cụ xử lý. Có một đầu mối xử lý - cái này Chính phủ sẽ phải qui định, vừa là đầu mối xử lý, vừa là đầu mối nhận phản ánh của người dân, người bị hại; có công cụ dọn dẹp, ngăn chặn, cái này là công nghệ, là kỹ thuật, có thể làm được đối với các thông tin không mã hóa.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng phải mạnh tay với các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai theo pháp luật Việt Nam - cái này có thể học kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước EU, trong Asean đã làm với FB, với Youtube. Vấn đề là chúng ta phải kiên quyết thượng tôn pháp luật.

Liên quan vấn đề SIM rác, Bộ trưởng cho biết, vấn đề gốc nằm ở chỗ phải có 1 cơ sở dữ liệu công dân chính xác, xác định mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào SIM và gắn vào chứng minh nhân dân.

Bộ trưởng cũng cho hay, vừa qua chúng ta đã dùng khá nhiều biện pháp và tình hình cũng tốt lên. Nhưng để thực sự căn cơ, phải nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, việc này không chỉ riêng câu chuyện SIM rác mà cho cả câu chuyện Chính phủ điện tử nữa.

Ngăn chặn truy cập gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu

Trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về xử lý thông tin sai lệch trên mạng. Vào đầu phiên làm việc sáng nay 1/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vấn đề này bộ, ngành liên quan đã xử lý một số vụ nhưng "cũng chưa ngăn chặn được và còn một số khó khăn".

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm 

Theo Bộ trưởng, với tính nặc danh, thông tin vi phạm không chỉ xuất phát từ mạng trong nước mà còn mang tính xuyên quốc gia; trong khi đó quy định pháp luật liên quan chưa được hoàn thiện, thông tin vu khống, xuyên tạc muốn xử lý được thì cần giám định nên phải sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác; thiếu quy định về chứng cứ số...

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm nói các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin trên không gian mạng, như phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với việc đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài hợp tác trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật tại Việt Nam...

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xử lý tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí là vi phạm không chỉ trong nước mà tính xuyên quốc gia, quốc tế của vấn đề cũng có khó khăn.Một số quy định về hệ thống luật để xử lý vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện. Ví dụ như giám định, mỗi khi muốn được xử lý thông tin thì phải giám định đây là thông tin vu khống, xuyên tạc phải có cơ quan chức năng hoặc vấn đề về chứng cứ số thì hiện nay cũng đang được hoàn thiện để xử lý.

"Có một số giải pháp là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh xử lý những hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự của người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Vấn đề này luật an ninh mạng đã được thông qua thì hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng ban hành văn bản thi hành luật an ninh mạng, trong đó có quy định các biện pháp để xử lý với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng", Bộ trưởng Công an nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin thêm, hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để triển khai hoạt động tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.

Cùng với đó là thực hiện công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu.

Thanh tra xử lý với các vi phạm pháp luật trong đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật và yêu cầu các DN cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện các yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục thu thập, củng cố tư liệu chứng cứ các đối tượng có các hoạt động tuyên truyền chống nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng để có các hình thức đấu tranh xử lý kịp thời./.

Xuân Hưng