Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao tại Hội thảo tham vấn lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về “Tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Hội thảo do Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Bộ Nội vụ Australia và Toà án nhân dân tối cao Việt Nam tổ chức, diễn ra trong hai ngày 9 và 10/7 tại TP.Đà Nẵng. Đây là diễn đàn thảo luận, tìm hiểu sâu hơn khung pháp lý của Việt Nam và đóng góp ý kiến, khuyến nghị đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán nhằm áp dụng thống nhất hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

leftcenterrightdel
 Chánh án TAND Tối cao, Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia hơn 70 đại biểu bao gồm các thành viên của Hội đồng thẩm phán, học giả, chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan ban ngành có liên quan của Việt Nam và các chuyên gia của Bộ Nội vụ Australia và UNODC cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết: Ở Việt Nam, tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế.

“Hiện nay, ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi. Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ôtô, vàng bạc, đá quý… Sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền “đen” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Để đấu tranh chống loại tội phạm này một cách hiệu quả, chúng ta rất cần một lực lượng thực thi pháp luật được trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin cũng như hệ thống pháp luật hoàn thiện”, Chánh án Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho biết thêm: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng nhưng hiện vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

 Sau hội thảo, dựa trên các đóng góp của các đại biểu và chuyên gia, Tòa án nhân dân tối cao sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi ban hành. Ông cũng thể hiện mong  muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của UNODC và Bộ Nội Australia trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Ông Christopher Batt, Cố vấn về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, UNODC khu vực Mêkông-Đông Nam Á kiêm Phụ trách UNODC Việt Nam cho biết năm 2019, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền FATF sẽ thực hiện đánh giá quốc gia về hiệu quả phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam.

“Việt Nam cần thể hiện các định chế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả ra sao. Nghị quyết cần được hoàn thiện và ban hành càng sớm càng tốt để Việt Nam có thể thực sự áp dụng hiệu quả các quy định của pháp luật hình sự về tội phạm rửa tiền trước khi kỳ đánh giá diễn ra vào năm sau” - ông cho hay.

Ngoài ra, tại hội thảo, các nội dung liên quan đến hướng dẫn áp dụng Điều 323 của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm.  

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, dự thảo Nghị quyết cũng cần tập trung hướng dẫn một số nội dung như: Thế nào là hành vi chứa chấp, tiệu thụ tài sản? Phân biệt hành vi chứa chấp tài sản do người khác mà có với hành vi che dấu tội phạm? Vấn đề chứa chấp, thiêu thụ có hứa hẹn trước và không hứa hẹn trước?

leftcenterrightdel

các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan ban ngành có liên quan tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. 

Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với tội phạm nguồn, ông Độ cho rằng chỉ cần hành vi phạm tội nguồn thoả mãn hai dấu hiệu bản chất của tội phạm là nguy hiểm đáng kể cho xã hội và hành vi đó được quy định là tội phạm trong BLHS. Còn người thực hiện hành vi có đủ điều kiện chịu TNHS hay không (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự…) thì không có ý nghĩa.

“Ví dụ tiêu thu một laptop giá trị 20 triệu đồng do người dưới 16 tuổi trộm cắp vẫn sẽ cấu thành tội tiêu thụ tài sản dù người trộm cắp đó không phải chịu trách nhiệm hình sự” – ông nói.  

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán, Chánh Văn phòng TAND Tối cao cũng đề xuất một số ý kiến: Thứ nhất, cần phân biệt rõ hơn về thu lợi bất chính với các tài sản, tiền do hành vi thực hiện tội phạm mà có.

Thứ hai, hiện nay có hai quan điểm khác nhau đối với tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 của BLHS). Một quan điểm là tài sản phải do phạm tội mà có, tức là phải có tội phạm thì mới cấu thành tội chứa chấp, tiêu thụ, không có tội phạm thì không cấu thành tội.

“Nếu một người chưa đến tuổi chịu TNHS mà có hành vi chiếm đoạt tài sản. Người khác biết rõ đó là tài sản có được do hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ thì họ có tội không? Vì hành vi của người chiếm đoạt không cấu thành tội phạm” – ông lấy ví dụ.

Quan điểm khác là không lệ thuộc vào tội phạm nguồn, chỉ cần đó là tài sản có được một cách bất hợp pháp là cấu thành tội phạm. Do có hai quan điểm khác nhau nên Ông Lộc cho rằng vấn đề này cần có hướng dẫn trong áp dụng Điều 323 BLHS.

Lê tâm