Vị trí, vai trò, hình ảnh, uy tín của ngành Kiểm sát, của Kiểm sát viên (KSV) được thể hiện rõ nét nhất thông qua hoạt động tranh tụng trực tiếp, công khai, dân chủ tại phiên tòa. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự là vấn đề cần được các Viện kiểm sát thường xuyên quan tâm, mà trọng tâm là hoạt động nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát thông qua “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Để thực hiện tốt chỉ thị trên, ngay từ tháng 1/2020, VKSND huyện Kông Chro (Gia Lai) đã phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự đầu tiên thông qua “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” (vụ án Trộm cắp tài sản). Sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị đã tiến hành rút kinh nghiệm, chia sẻ cách làm số hóa hồ sơ vụ án hình sự và được VKSND tỉnh Gia Lai ban hành thông báo, giới thiệu phương pháp, cách làm hay, nhân rộng điển hình để các đơn vị khác cùng tham khảo, vận dụng. Đến nay, VKSND huyện Kông Chro đã tổ chức được 11 phiên tòa theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-VKSTC (đạt 100% vụ án hình sự đã xét xử của đơn vị).

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSND huyện Kông Chro thực hiện trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại một phiên tòa hình sự. 

Để có được những thành quả trên, cũng như để bảo vệ thành công cáo trạng của Viện kiểm sát tại các phiên tòa hình sự, đơn vị xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau:  

Một là, tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động tranh tụng của KSV, đặc biệt là việc tranh luận, đối đáp thông qua “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa”

Với tinh thần "Quản lý, chỉ đạo tốt, chất lượng tranh tụng sẽ tốt”, lãnh đạo đơn vị luôn cân nhắc theo từng trường hợp để lựa chọn, phân công KSV có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với tính chất, mức độ, nội dung vụ án; đồng thời theo sát, chỉ đạo nghiệp vụ đối với KSV ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, bảo đảm đầy đủ các chứng cứ phải chứng minh tại Điều 85 BLTTHS. 

Hai là, bảo đảm “Công tố trong giai đoạn điều tra tốt, tranh tụng tại phiên tòa sẽ tốt”

Ngay sau khi thụ lý kiểm sát hồ sơ tin báo, tố giác hoặc hồ sơ vụ án, KSV phải theo sát tiến trình điều tra, gắn công tố trong hoạt động điều tra; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ, tham gia đầy đủ 7 hoạt động điều tra (Chỉ thị 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020), đó là: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và thực nghiệm điều tra để nắm chắc, làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu phục vụ hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Nếu chất lượng những hoạt động này tốt thì khả năng làm chủ số hóa hồ sơ của KSV trong tranh tụng sẽ tốt, hạn chế tình huống phát sinh tại phiên tòa; hệ thống chứng cứ do KSV công bố và dùng để buộc tội đầy đủ, chắc chắn và tính thuyết phục cao, hạn chế tối đa việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tuyên hủy án để điều tra lại.

Ba là, làm chủ hồ sơ số hóa, tổng hợp, phân tích đánh giá chứng cứ, xây dựng cáo trạng, đề cương xét hỏi

Ngay sau khi nhận được hồ sơ kết thúc điều tra đề nghị truy tố từ Cơ quan điều tra, KSV nghiên cứu hồ sơ vụ án phải làm chủ việc số hóa hồ sơ, tổng hợp, phân tích và đánh giá toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vấn đề dân sự, xử lý vật chứng (nếu có), quan điểm của người bào chữa trong quá trình điều tra... Đây là yêu cầu rất quan trọng để KSV nắm chắc: quá trình điều tra, hồ sơ số hóa đã đầy đủ hay chưa, còn thiếu vấn đề gì cần bổ sung không… Nếu phát hiện có nội dung cần phải bổ sung, khắc phục thì KSV phải chủ động, nhanh chóng tự mình hoặc phối hợp với Điều tra viên để thực hiện.

leftcenterrightdel
VKSND huyện Kông Chro tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của đơn vị sau phiên tòa, có sự tham gia của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa. 

Trước khi đề xuất việc truy tố, KSV cần xem xét việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng để củng cố chứng cứ, tài liệu cũng như để kiểm tra lại tài liệu mà hồ sơ đã số hóa, đồng thời đánh giá lại kết quả điều tra do Điều tra viên thực hiện, trong trường hợp cần thiết thì yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án.

Khi xây dựng đề cương xét hỏi thông qua hồ sơ số hóa, KSV nên chia tài liệu số hóa thành từng mục khác nhau để làm rõ vai trò của từng bị cáo. Đối với những vấn đề còn có mâu thuẫn, bị cáo không nhận tội, KSV công bố trình chiếu bút lục, các tài liệu liên quan đến việc buộc tội làm cơ sở đấu tranh tại phiên tòa, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa để bảo đảm tính chủ động của KSV trong quá trình tranh luận.

Điển hình như vụ án T. và 6 đồng phạm bị VKSND huyện Kông Chro truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Quá trình điều tra, các bị can đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và vai trò đồng phạm của từng bị can. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo T. không thừa nhận vai trò đồng phạm của mình là người khởi xướng và về mặt tội danh, Luật sư bào chữa của các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo  chỉ phạm vào 01 tội là “Hủy hoại tài sản” mà không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” như Viện kiểm sát đã truy tố. Do tình huống đã được KSV dự liệu trước, trong phần tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả xét hỏi các bị cáo khác, KSV đề nghị HĐXX cho công bố bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ là lời khai của những người làm chứng (xin vắng mặt tại phiên tòa) ở giai đoạn tố tụng trước, lời khai của bị cáo T. ở giai đoạn điều tra, truy tố để chứng minh hành vi phạm tội, tội danh của bị cáo T. và các bị cáo khác. Đồng thời, các chứng cứ khác như bản ảnh, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận định giá cũng được KSV công bố bằng hình ảnh tại phiên tòa để lập luận, đối đáp đến cùng ý kiến tranh luận của Luật sư về tội danh. Với kỹ năng, lập luận tranh tụng sắc bén, cùng với sự bổ trợ rất hiệu quả từ hoạt động “Số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” trong vụ án này, Kiểm sát viên đã chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội, tội danh, vai trò của bị cáo T. và các bị cáo khác trong vụ án. HĐXX đã tuyên bố bị cáo T. và 6 bị cáo khác phạm tội “Hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản” như Viện kiểm sát đã truy tố, trong đó xác định rõ vai trò khởi xướng của bị cáo T. cũng như vai trò của các bị cáo khác như quan điểm truy tố, luận tội, đề nghị của Viện kiểm sát để tuyên phạt mức án phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của từng bị cáo.

Bốn là, phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan liên quan đến hoạt động xét xử. 

Tạo điều kiện để người bào chữa tham gia sớm và thực hiện đầy đủ quyền của họ theo quy định pháp luật

KSV phải bảo đảm cho người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tham gia các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng, thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu… theo quy định tại Điều 73 BLTTHS, điều này góp phần nâng cao tính thận trọng, tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng, hạn chế vi phạm thủ tục tố tụng; tạo điều kiện để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ, có mặt trong giai đoạn điều tra vụ án, nhằm bảo đảm việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Khi đó, việc trình chiếu các chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa sẽ mang lại hiệu ứng cao hơn. Hạn chế thấp nhất các trường hợp Tòa án tuyên khác tội danh Viện kiểm sát đã truy tố; không để xảy ra việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Năm là, kỹ năng sử dụng “Số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa” 

Nếu KSV hoàn toàn làm chủ hồ sơ số hóa, bình tĩnh, tự tin thì trước những luận cứ mà người bào chữa, bị cáo, người tham gia tố tụng khác đưa ra, KSV sẽ hiểu được nội hàm của luận cứ, từ đó đưa ra các lập luận thuyết phục, kèm theo việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Từ thực tế việc giải quyết các vụ án cho thấy, nếu KSV sử dụng các chứng cứ trực tiếp trong việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa sẽ mang lại hiệu ứng cao trong việc tranh luận và bảo đảm tính có căn cứ của quyết định truy tố.

Lưu Xuân Quang