|
|
VKSND huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) trực tiếp kiểm sát tại Chi cục THADS cùng cấp. Ảnh: Lê Tấn Lợi |
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS qua việc xem xét hồ sơ, văn bản, tài liệu liên quan đến việc xác minh điều kiện THADS. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nghiên cứu bản án, quyết định được đưa ra thi hành và nội dung quyết định THA; kiểm sát biên bản xác minh điều kiện THA, văn bản yêu cầu cung cấp thông tin và văn bản cung cấp thông tin về điều kiện THADS, các tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh điều kiện THADS, từ đó làm rõ tính có căn cứ, tính hợp pháp của các quyết định, hành vi của cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện THA.
Kiểm sát việc trực tiếp xác minh điều kiện THADS
Trực tiếp xác minh điều kiện THADS là hoạt động của Chấp hành viên để tự mình làm rõ tình trạng tài sản và điều kiện kinh tế, các nguồn thu nhập của người phải THA nhằm buộc họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã được quyết định trong bản án, quyết định. Trực tiếp xác minh điều kiện THA là biện pháp xác minh rất phổ biến, được áp dụng đối với hầu hết các vụ việc THA. Trong nhiều trường hợp, trực tiếp xác minh điều kiện THADS đem lại hiệu quả cao và nhanh hơn so với việc gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện THA.
Khi kiểm sát căn cứ và điều kiện xác minh THA, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát các loại hồ sơ, tài liệu sau: Bản án hoặc quyết định được đưa ra thi hành; quyết định THA; biên bản giải quyết việc THA. Mục đích của việc nghiên cứu nhằm xác định nghĩa vụ phải thi hành được ghi trong bản án, quyết định, căn cứ THA (quyết định THA), việc Chấp hành viên ấn định thời hạn tự nguyện THA (biên bản giải quyết việc THA). Khi kiểm sát cần lưu ý đến tính hợp pháp của quyết định THA (thẩm quyền THA, thời hiệu THA, nội dung quyết định THA). Khi thời hạn tự nguyện THA không còn mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA.
Từ kết quả kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đối chiếu với quy định tại các Điều: 30, 35, 36, 44, 45 Luật THADS để xác định có hay không có vi phạm về căn cứ và điều kiện xác minh điều kiện THADS, đặc biệt là vi phạm trong việc ấn định thời hạn tự nguyện THA.
Kiểm sát thẩm quyền, thời hạn, đối tượng và nội dung xác minh điều kiện THA
- Về thẩm quyền xác minh: Từ biên bản xác minh, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xác định được việc xác minh điều kiện THA do ai tiến hành. Trường hợp xác minh bằng văn bản hoặc ủy quyền xác minh, cần kiểm sát thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện THA hoặc văn bản ủy quyền xác minh, đối chiếu với quy định tại Điều 44 Luật THADS, Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, để xác định có hay không có vi phạm về thẩm quyền xác minh điều kiện THADS.
- Về thời hạn xác minh: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần kiểm sát ngày hết thời hạn tự nguyện THA ghi trong biên bản giải quyết việc THA, ngày đương sự tự kê khai tài sản và cung cấp thông tin về điều kiện THA theo yêu cầu của Chấp hành viên, kiểm sát ngày lập biên bản xác minh, xác định xác minh vào thời gian nào, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 1 Điều 44 Luật THADS. Trường hợp xác minh định kỳ do người phải THA chưa có điều kiện thi hành thì lấy căn cứ ngày, tháng, năm xác minh của 2 biên bản xác minh gần nhất, đối chiếu khoản 2 Điều 44 Luật THADS; trường hợp xác minh lại thì căn cứ vào biên bản giao nhận kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc ngày nhận được kháng nghị của VKSND và thời gian ghi trong biên bản xác minh lại, đối chiếu với quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật THADS để xác định có hay không có vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện THA.
- Về đối tượng và nội dung xác minh: Căn cứ vào nghĩa vụ THA được ghi trong bản án và quyết định THA, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xác định đối tượng, phạm vi và những vấn đề liên quan đến đối tượng xác minh cần phải làm rõ.
Từ đó, đối chiếu với kế hoạch xác minh điều kiện THA do Chấp hành viên lập và hoạt động của Chấp hành viên thể hiện trong biên bản xác minh để nắm được Chấp hành viên đã tiến hành xác minh những vấn đề gì, có làm rõ được nguồn thu nhập, tài sản và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ THA không, nội dung nào chưa được làm rõ, nội dung nào cần xác minh thêm để làm rõ điều kiện THADS.
Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc xác minh điều kiện THA
Trường hợp bản án, quyết định đã tuyên thực hiện nghĩa vụ giao trả tài sản cụ thể thì đối tượng xác minh là tài sản cụ thể với các thông tin được nêu trong bản án, quyết định. Ví dụ: Nghĩa vụ giao trả tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất thì đối tượng xác minh là nhà, quyền sử dụng đất. Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ trả tiền thì đối tượng xác minh là điều kiện về thu nhập, tài sản, nguồn tài sản của người phải THA. Đối với những tài sản cụ thể, cần xem xét các điều kiện để kê biên và những vấn đề liên quan như: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan,.... Cụ thể:
|
|
Cán bộ các cơ quan: Viện kiểm sát, Công an, THADS trao đổi công tác phối hợp trong THADS. Ảnh: CTV |
+ Đối với nghĩa vụ giao trả tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất: Do bản án, quyết định đã có thông tin về nhà, đất do ai đang quản lý, sử dụng, nên khi kiểm sát, cần xác định phải giao nhà đất cho ai? Diện tích đất, số thửa, vị trí cụ thể của nhà đất phải giao, diện tích nhà (số phòng, diện tích sử dụng), địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới? Tình trạng nhà phải giao, tài sản trong nhà có những gì? Đối chiếu với kết quả xác minh của Chấp hành viên để kiểm sát việc xác minh của Chấp hành viên đã làm rõ được các vấn đề như: Tình trạng thực tế của nhà đất phải giao có gì thay đổi so với những thông tin trong bản án không? Diện tích đất thực tế, số thửa, vị trí, mốc giới? Diện tích nhà, tài sản hiện có trong nhà có gì thay đổi so với bản án? Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cũng cần xem xét Chấp hành viên có xác minh làm rõ nơi ở khác của người phải THA không. Mục đích của việc xác minh nhằm đề phòng trường hợp người phải THA không tự nguyện giao nhà đất cho người được THA nên khi cưỡng chế buộc phải ra khỏi nhà thì có địa chỉ cụ thể để chuyển tài sản của người phải THA và gia đình họ.
+ Đối với nghĩa vụ trả tiền: Do bản án tuyên nghĩa vụ trả tiền nên phạm vi xác minh trong trường hợp này là phải làm rõ người phải THA có tiền, tài sản hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp nào để bảo đảm THA hay không. Vì vậy, thông qua biên bản xác minh phải đánh giá Chấp hành viên đã làm rõ các nội dung cần xác minh chưa, cụ thể là đã làm rõ được các vấn đề như: Đương sự có tài sản hoặc nguồn thu nhập hợp pháp không? Nếu đương sự có tài sản thì đối với mỗi loại tài sản đã xác định rõ quyền sở hữu tài sản có thuộc về người phải THA không? Trường hợp đương sự có tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu thì Chấp hành viên đã xác minh làm rõ nhà, đất, tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai; ai đang quản lý, sử dụng tài sản đó? Nhà, đất, tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng? Vị trí, diện tích nhà đất? Nhà đất thuộc loại nào? Tình trạng nhà đất hiện tại, nhà đất có phân chia được không; có nằm trong quy hoạch không, có bị tranh chấp không, có bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không, có được phép chuyển quyền sử dụng, sở hữu không?...
- Về địa điểm xác minh: Từ đối tượng và nội dung xác minh, cần kiểm sát địa điểm xác minh có phải là nơi có tài sản hoặc tại nhà của người phải THA hoặc tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tài sản (như: UBND cấp xã, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, ngân hàng, tổ chức tín dụng...).
Trường hợp người phải THA có tài sản nhưng đã chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác để bảo đảm nghĩa vụ THA, VKSND phải xem xét nội dung xác minh của Chấp hành viên để làm rõ hiện tại ai là chủ sở hữu, sử dụng và ai đang quản lý, sử dụng tài sản; thời gian và thủ tục chuyển đổi, tặng cho, bán chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản... Những thông tin này là căn cứ để thực hiện việc cưỡng chế THA theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Kiểm sát thủ tục xác minh điều kiện THA
Khi kiểm sát thủ tục xác minh điều kiện THA, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần kiểm sát, làm rõ trước khi tiến hành xác minh điều kiện THA, Chấp hành viên có lập kế hoạch xác minh không, nội dung kế hoạch xác minh có phù hợp với nghĩa vụ phải thi hành và thông tin về điều kiện kinh tế của người phải THA mà người phải THA đã kê khai và thông tin do Chấp hành viên nắm được trong quá trình tổ chức THA không. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát bản tự kê khai tài sản và cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA; kế hoạch xác minh; biên bản xác minh điều kiện THA và các tài liệu liên quan đến tài sản, quyền về tài sản, các nguồn thu nhập hợp pháp của người phải THA...
Về nguyên tắc, toàn bộ hoạt động xác minh điều kiện THA phải được thể hiện một cách đầy đủ, chi tiết trong biên bản xác minh điều kiện THA. Biên bản xác minh điều kiện THA do Chấp hành viên lập khi trực tiếp xác minh điều kiện THA phải tuân thủ theo quy định của pháp luật THADS về thời gian, địa điểm xác minh, những thông tin cần thu thập, các bước tiến hành (trực tiếp xem xét, yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng), kết quả thu thập thông tin, ý kiến, đề nghị của đương sự... Thực tế công tác THADS thời gian qua cho thấy, một số biên bản xác minh điều kiện THA còn sơ sài, chưa phản ánh đầy đủ các thông tin cần thiết để xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Do đó, khi kiểm sát biên bản xác minh, Kiểm sát viên cần chú ý biên bản có làm rõ được các vấn đề sau đây hay không:
+ Người phải THA có tự kê khai trung thực và đầy đủ về tài sản, thu nhập, điều kiện THA của mình hay không?
+ Người phải THA có tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp không, tài sản ở đâu, ai quản lý? Căn cứ nào để xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản của đương sự? Tình trạng tài sản của người phải THA? Giải quyết được những nội dung trên là có thể xác định được điều kiện THA của người phải THA.
Về kết quả xác minh điều kiện THA, qua biên bản xác minh và các tài liệu có liên quan, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nắm được người phải THA có hay không có tài sản; nếu có tài sản thì đó là những loại tài sản gì (tiền, động sản, bất động sản, quyền về tài sản...); tình trạng tài sản hiện tại (tài sản chung hay tài sản riêng, có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng; có cầm cố, thế chấp, bảo lãnh...); tài sản có bị tranh chấp không... Nếu biên bản xác minh chưa làm rõ được những nội dung trên thì VKSND phải yêu cầu Chấp hành viên xác minh làm rõ để giải quyết việc THADS.
Khi kiểm sát, cần xem xét biên bản xác minh có xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh không; hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin về điều kiện THA của người phải THA có ký tên vào biên bản xác minh không.
Trên cơ sở kiểm sát kế hoạch xác minh, biên bản xác minh điều kiện THA, đối chiếu với quyết định THADS và các điều luật tương ứng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xác định Chấp hành viên có hay không có các vi phạm về thành phần tham gia xác minh, thời gian, địa điểm tiến hành cũng như các bước tiến hành xác minh và kết quả thu được. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Viện thực hiện quyền xác minh nhằm làm rõ vi phạm trong việc xác minh điều kiện THA để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.
Ngoài ra, khi kiểm sát việc trực tiếp xác minh điều kiện THADS, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về cung cấp thông tin, về điều kiện THADS để thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc xác minh điều kiện THA bằng văn bản
Xác minh điều kiện THA bằng văn bản là việc Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên thông qua văn bản để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp những thông tin về tài sản, tài khoản, các khoản thu nhập của người phải THA.
|
|
Kiểm sát viên VKSND TP Đà Nẵng kiểm sát việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để THA. Ảnh: Ngọc Vi |
Khi kiểm sát việc xác minh điều kiện THA bằng văn bản, cần phải xem xét các nội dung: Thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, thẩm quyền cung cấp thông tin, thời hạn cung cấp thông tin; nội dung, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin và nội dung thông tin được cung cấp về điều kiện THADS. Để làm rõ các nội dung trên, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện THA; thời hạn cung cấp thông tin và văn bản cung cấp thông tin về điều kiện THA.
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên căn cứ vào thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin nêu trong văn bản, đối chiếu với quy định tại điểm b khoản 6 Điều 44 Luật THADS, Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN: Hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải THA và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS và Điều 3 TTLT số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN: Hướng dẫn xác minh điều kiện THA của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng (đối với Thừa phát lại), để xác định vi phạm về thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin.
Căn cứ thời gian trả lời văn bản yêu cầu cung cấp thông tin (theo con dấu bưu điện hoặc ngày giao nhận ghi trong biên bản, nếu là giao nhận trực tiếp), Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xác định thời hạn cung cấp thông tin, đối chiếu quy định tại điểm b khoản 6 Điều 44 Luật THADS, khoản 2 Điều 6 TTLT số 02/2014, Điều 3 TTLT số 03/2014 để xác định có hay không có vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Về nội dung, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát nội dung của văn bản yêu cầu cung cấp thông tin và những nội dung trong văn bản cung cấp thông tin, những tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản của đương sự; đối chiếu với quy định tại Điều 7 TTLT số 02/2014 (nếu Thừa phát lại tiến hành xác minh thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 TTLT số 03/2014) để xác định có hay không có vi phạm về nội dung, thủ tục yêu cầu và nội dung, thủ tục cung cấp thông tin về điều kiện THA.
Khi kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS bằng văn bản, cần chú ý xem xét về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc bảo mật những thông tin được cung cấp của cơ quan THADS.
Trường hợp ủy quyền xác minh điều kiện THA, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát văn bản ủy quyền để nắm được nội dung ủy quyền xác minh và văn bản trả lời của thủ trưởng cơ quan THADS nơi nhận ủy quyền, qua đó xác định có hay không có vi phạm của cơ quan THADS về nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền xác minh và nội dung xác minh, thời hạn thực hiện việc xác minh điều kiện THA theo ủy quyền.
Trong quá trình kiểm sát việc xác minh điều kiện THA, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có quyền yêu cầu cơ quan THADS cung cấp hồ sơ, tài liệu để xác định vi phạm trong hoạt động xác minh điều kiện THA nhằm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị để bảo đảm việc xác minh điều kiện THADS tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác minh điều kiện THA là căn cứ để quyết định việc cưỡng chế THA, nên nếu kết quả xác minh THA không đúng sẽ dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế không đúng, gây ra hậu quả khó lường. Do đó, Viện kiểm sát cần tăng cường công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện THA nhằm bảo đảm cho việc THA tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.