Thực hiện đầy đủ quyền hạn của Kiểm sát viên, của VKS trong quá trình giải quyết vụ án

Riêng trong năm 2020, mặc dù chỉ có 3 Kiểm sát viên và 2 Chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, nhưng VKSND huyện Tân Biên đã thực hành quyền công tố, kiểm sát 188 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (tăng 30 tin so với cùng kỳ năm 2019), đã giải quyết 177 tin, đạt tỉ lệ 91,4%; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 162 vụ/500 bị can (tăng 26 vụ/165 bị can), Cơ quan điều tra đã giải quyết 145 vụ/435 bị can, đạt 89,5%; VKS truy tố 136 vụ/428 bị can (tăng 23 vụ/140 bị can), đạt 100%; Kiểm sát viên đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà 136 vụ/428 bị cáo.

Viện kiểm sát tổ chức cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tham dự nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm trong nội bộ và nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến toàn tỉnh. Việc điều tra, truy tố, xét xử đều bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; quan điểm của VKS được HĐXX chấp nhận, thống nhất về tội danh, điều khoản áp dụng; sự chênh lệch về mức hình phạt hầu hết không lớn. Không có án hình sự bị hủy hoặc án Tòa tuyên vô tội; hạn chế thấp nhất tình trạng án bị cấp phúc thẩm sửa có trách nhiệm của VKS. Đặc biệt, trong 5 năm (2015 - 2020), tại huyện Tân Biên không có án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. 

leftcenterrightdel
VKSND huyện Tân Biên họp bàn giải quyết án với Cơ quan điều tra cùng cấp và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc. 

Đối với số ít vụ án có sự khác nhau giữa VKS và Toà án về loại hình phạt và mức hình phạt lớn, VKS đã kháng nghị phúc thẩm để bảo vệ quan điểm và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Như vụ án Trần Phương Q. bị truy tố về tội “Đánh bạc”: Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/11/2019, VKSND huyện Tân Biên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tuy nhiên, TAND cùng cấp xử phạt bị cáo 6 tháng tù.

Nhận thấy bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia có 678.000 đồng, trong đó, số tiền đánh bạc của bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc là 108.000 đồng; bị cáo có tài sản bảo đảm thi hành án,…, việc TAND cùng cấp tuyên phạt bị cáo mức án 6 tháng tù là không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi của bị cáo gây ra. Do đó, VKSND huyện Tân Biên đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về phần hình phạt, đề nghị TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa từ hình phạt tù sang hình phạt tiền đối với bị cáo. Vừa qua, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện Tân Biên, xử phạt bị cáo Trần Phương Q. 20 triệu đồng về tội “Đánh bạc”. 

Có được những kết quả nêu trên là do đơn vị đã chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trên cơ sở sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, nâng cao ý thức trách nhiệm của tập thể lãnh đạo đơn vị và của toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên.

Đã tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Thực hiện phân công vụ án cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trên cơ sở năng lực, sở trường, kinh nghiệm của Kiểm sát viên tương ứng với tính chất của từng vụ án và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở...

Về phía cán bộ, Kiểm sát viên: thực hiện tốt, đầy đủ các quyền hạn của Kiểm sát viên, của VKS trong quá trình giải quyết vụ án; bám nắm vụ việc ngay từ khi thụ lý tin báo, có kế hoạch kiểm sát tiến độ điều tra đối với từng vụ án cụ thể; kịp thời đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh tin báo, các yêu cầu điều tra có chất lượng, cụ thể, rõ ràng, nhằm làm rõ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội, nguyên nhân, động cơ thực hiện hành vi phạm tội, nhân thân của bị can...

Kiểm sát chặt chẽ tiến độ giải quyết tin báo, tiến độ điều tra; yêu cầu Điều tra viên thực hiện nghiêm việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ thu thập được cho Kiểm sát viên nghiên cứu theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự; tăng cường tham gia các hoạt động điều tra như trực tiếp lấy lời khai, tham gia khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra, hỏi cung... theo quy định để bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên và Điều tra viên rà soát lại tất cả chứng cứ, bảo đảm việc điều tra toàn diện, khách quan, đúng pháp luật. Kiểm sát viên chuẩn bị kỹ đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống tranh luận với người tham gia tố tụng, đặc biệt với người bào chữa ngay trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố để kịp thời phát hiện ra những vấn đề còn thiếu sót trong quá trình điều tra, không để phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hay bị động tại Tòa, bảo vệ quan điểm truy tố của VKS. 

leftcenterrightdel
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao tại VKSND huyện Tân Biên. 

Giải quyết nhiều vụ án phức tạp nhờ tích cực phối hợp liên ngành  

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành cũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng quyết định việc vụ án không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, không bị hủy trong những năm gần đây. Đơn vị đã thực hiện tốt các Quy chế phối hợp số 07, 08, 09 ngày 15/12/2017 của Liên ngành tỉnh về phối hợp giữa VKS và các cơ quan tố tụng liên ngành. Trong quá trình thực hiện, những quan điểm của Kiểm sát viên và Điều tra viên, giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán không thống nhất sẽ được báo cáo lãnh đạo các ngành để giải quyết; vụ việc sẽ được đưa ra họp liên ngành khi xét thấy cần thiết. Giữa các ngành không thống nhất sẽ thực hiện báo cáo thỉnh thị liên ngành tỉnh cho ý kiến.

Trong năm vừa qua, liên ngành huyện đã thống nhất giải quyết được rất nhiều vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh, nhiều vụ án được dư luận, cấp ủy quan tâm, hạn chế được việc phải thỉnh thị liên ngành tỉnh. Liên ngành huyện thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT “quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung”, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT “quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”, tránh các trường hợp trả hồ sơ bổ sung không đúng quy định dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng. Trong năm 2020, liên ngành đã giải quyết được hàng chục vụ án Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc với sự tham gia của hàng chục đối tượng, số tiền đánh bạc mỗi vụ hơn 100 triệu đồng, hay những vụ án đánh chém nhau mang tính chất băng nhóm ở lứa tuổi thanh thiếu niên,...

Trên cơ sở những nỗ lực, kết quả đã đạt được, hàng năm, tập thể và hầu hết cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND huyện Tân Biên đều được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen. Riêng trong năm 2020, VKSND huyện được Viện trưởng VKSND tối cao tặng 02 Bằng khen, 05 cá nhân được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen, 02 cá nhân được Chủ tịch tỉnh tặng Bằng khen và 06 cá nhân được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng Giấy khen, trong đó có 01 cá nhân là điển hình tiên tiến của ngành Kiểm sát tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015-2020. 

Nguyễn Thị Hằng