Kiên định, dứt khoát theo đúng tác phong của người lính, nhiệt tình, hòa nhã, là những cảm nhận ban đầu của Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật khi tiếp xúc với KSV Đàm Thuận Công. Anh sinh ra tại miền đất Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) giàu truyền thống. Năm 1986, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Đàm Thuận Công xin đi lính, rèn luyện trong môi trường quân đội.

Năm 1992, người lính Đàm Thuận Công “bén duyên” ngành Kiểm sát, khi về đầu quân cho VKS Quân khu Thủ đô.  Sau đó, KSV Đàm Thuận Công trải qua các vị trí công tác: Phòng 1 VKS Quân sự Trung ương; Phó Viện trưởng VKS Quân sự Bộ đội Biên phòng rồi Trưởng Phòng 1 VKS Quân sự Trung ương (từ đầu năm 2017 đến nay). 

Những áp lực của Kiểm sát viên

Trong cuộc trò chuyện với Phóng viên, KSV Đàm Thuận Công luôn nhắc về anh em, đồng nghiệp trong phòng. Theo anh, đặc thù của Phòng 1 là thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án về ma túy, an ninh, chức vụ,… Loại án này trong quân đội ít, nhưng có tính chất phức tạp bởi tính đặc thù của quân đội.

Cả Phòng 1 chỉ có 6 biên chế nhưng phải thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự liên quan đến cấp trung ương trong toàn quân, đồng thời còn làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Vụ án liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), cựu Thượng tá, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng cùng đồng phạm về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” giai đoạn 1 chỉ là một trong những vụ án mà Phòng 1 tham gia giải quyết. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đàm Thuận Công. 

Chia sẻ về quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án liên quan đến Út “trọc” và đồng phạm, KSV Đàm Thuận Công cho biết: “Năm 2018 là một năm làm việc căng thẳng với tôi, bởi vừa thực hiện chức trách của một trưởng phòng về công tác tổ chức, vừa tham gia giải quyết vụ án liên quan đến Út “trọc”. Vì tính chất và đặc thù phải bảo mật thông tin, nên tôi phải làm một mình, từ việc tống đạt các quyết định, viết báo cáo, sao chụp tài liệu, có mặt trong các buổi hỏi cung, đối chất giữa các bị can.

Chỉ đến khi gần kết thúc giai đoạn điều tra, tôi mới được lãnh đạo cho tăng cường thêm một đồng chí. Trong quá trình giải quyết vụ án, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của dư luận, tiến độ phải hoàn thành vụ án, là những thuận lợi nhưng cũng là những áp lực đặt lên vai KSV. Nhưng KSV luôn được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo VKS.

Kể từ khi bắt đầu được phân công giải quyết vụ án cho tới khi vụ án được đưa ra xét xử, tôi luôn nhận được sự khuyến khích, động viên của Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương Nguyễn Văn Khánh. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh có chỉ đạo: Vụ án phức tạp, các chiêu trò phạm tội của Út “trọc” rất tinh vi, nên KSV phải làm cho đúng, không có vấn đề gì phải e ngại, sai phạm trong quân đội không có vùng cấm. Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, tôi đã kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, lần lượt giải mã từng góc khuất che giấu hành vi phạm tội của các bị can, từ đó, đề xuất hướng xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật?.

Chật vật những buổi chốt cung

Chia sẻ về quá trình tiếp xúc và làm việc với bị can Út “trọc” và đồng phạm, KSV Đàm Thuận Công trầm ngâm: Bản chất của Út “trọc” là người rất giảo hoạt, che giấu hành vi phạm tội rất tinh vi. Trước đó, ngay từ giai đoạn thành lập công ty và có ý định lợi dụng danh nghĩa quân đội để phạm tội, Út “trọc” đã thuê đội ngũ luật sư hùng hậu để tư vấn cho mình. Trong quá trình bị tạm giam, Út “trọc” vẫn luôn tỏ thái độ ngoan cố với quan điểm “tôi không sai, các anh cứ điều tra”. 

leftcenterrightdel
Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và đồng phạm. 

Sợ trách nhiệm, nên ngay từ đầu, Út “trọc” đã khôn khéo khai báo hòng bảo vệ bản thân một cách tốt nhất. Khi hỏi cung, hôm trước bị can khai mọi thứ, thừa nhận mọi việc nhưng hôm sau lại phủ nhận tất cả. Có những hôm, cùng một nội dung nhưng ĐTV, KSV phải hỏi đi hỏi lại bị can. Đặc biệt, ĐTV, KSV phải rất “chật vật” trong việc chốt biên bản hỏi cung. Bởi chỉ một từ, mà bị can cho rằng sẽ bất lợi cho mình là bị can sẽ hỏi đi hỏi lại. Cán bộ hỏi cung lại phải hỏi lại, lại phải ghi biên bản lại. Có những buổi phải mất hàng tiếng đồng hồ mới chốt cung được. 

Trong các buổi làm việc, diễn biến tâm lí của Út “trọc” rất bất thường do phải che giấu hành vi để “phủi” trách nhiệm. Út “trọc” luôn yêu cầu phải có luật sư, nếu không có luật sư thì không làm việc. Có những buổi đang hỏi cung, bị can kêu đau đầu, kêu mệt nên làm việc gián đoạn. Có những buổi bị can trình bày lan man, không đúng trọng tâm mà chủ yếu là bao biện, chối tội, đổ lỗi cho đồng phạm. Lại có những buổi hỏi cung, Út “trọc” thay đổi thái độ, tỏ ra không biết, không nhận và không làm…. 

Nắm bắt được tâm lí của Út “trọc”, trong những buổi hỏi cung, KSV và ĐTV phải khôn khéo, phối kết hợp nhịp nhàng để có thể vạch mặt những sai phạm mà Út “trọc” không thừa nhận, không chịu trách nhiệm. Có buổi hỏi cung, ĐTV và KSV thống nhất để cho Út “trọc” trình bày hết những suy nghĩ của mình, thổ lộ hết những gì mà đối tượng nghĩ, mong muốn, bao biện. Và kết quả, trong suốt buổi đó, Út “trọc” ngồi nói một cách say sưa rồi vươn vai, vặn mình và nói thầm “sao hôm nay thoải mái vậy nhỉ?”. Tâm lí của Út “trọc” là vậy, khó đoán, khó lường nên trong quá trình làm việc, KSV phải luôn tỉnh táo và khôn khéo để điều khiển Út ‘trọc” khai báo theo đúng trọng tâm.

Lời đe dọa “ngầm” của Út “trọc”

Kể về vụ án của Út “trọc”, KSV Đàm Thuận Công cho biết: công việc kinh doanh khiến Út “trọc” va chạm nhiều, đối tượng có mối quan hệ rất rộng, cả trong quân đội và ngoài xã hội. Trong những lần hỏi cung, khi không kiểm soát được mình, Út “trọc” đã đưa ra những lời có tính chất đe dọa ĐTV, KSV. Có lần, Út “trọc” bóng gió hỏi về sự an nguy của những thành viên trong gia đình những người có liên quan, như một lời đe dọa “ngầm”.

leftcenterrightdel
 Út "trọc" (phải) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh TTXVN

Trong vụ án này, về việc Út “trọc” lợi dụng danh nghĩa Công ty của quân đội, mua xe và đăng ký biển xe công (biển đỏ, biển xanh), cho doanh nghiệp hoặc cá nhân thuê để hưởng lợi. Về hành vi sai phạm này, bị can Trần Văn Lâm (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P) đã khai báo toàn bộ sự việc, nhận tội. Lâm còn khai thêm, việc cho thuê, mượn xe là do Út “trọc” trực tiếp điều hành. Tuy nhiên, Út “trọc” một mực phủ nhận hành vi, luôn nói rằng không điều hành, không biết về việc cho thuê, cho mượn ô tô. Vì vậy, ĐTV và KSV đã cho hai bị can này đối chất.

Trong việc tổ chức cho hai bị can đối chất, KSV và ĐTV đã thống nhất cách ngồi của các bị can cho hợp lí, tránh xảy ra việc bị can kích động, có hành vi gây gổ. Buổi đối chất diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi các bị can rời phòng hỏi cung, thì Út ‘trọc” hỏi Lâm: “Hàng tháng, công ty vẫn chuyển tiền lương của Lâm cho vợ Lâm à?”. Khi bị can Lâm trả lời xác nhận, lập tức, Út “trọc” tiến tới trấn an bằng câu: “Anh vẫn coi chú như anh em”. “Đã nắm rõ được tâm lí và tính cách của Út “trọc” nên khi những lời nói của đối tượng này thốt ra, chúng tôi đã hiểu đó là “thông điệp” gửi đến bị can Lâm, kèm đó là lời đe dọa. Út “trọc” biết tâm lí của Lâm lo cho vợ con, lo lắng sẽ bị cắt lương, gây khó khăn về kinh tế cho gia đình. Sự xảo quyệt và gian ngoan của Út “trọc” thể hiện cả qua cách đối tượng đối xử với đàn em, đồng phạm” – KSV Đàm Thuận Công kể lại. 

Sau khi giai đoạn điều tra kết thúc, VKS đã ban hành cáo trạng. KSV có mặt tại buổi tống đạt cáo trạng cho bị can. Phải dùng từ “sốc” khi nói về tâm trạng của Út “trọc” sau khi nghe xong cáo trạng. Với những lập luận và chứng cứ nêu trong cáo trạng của VKS, Út “trọc” bị sốc vì không nghĩ mình bị kết tội. Lúc đó, đối tượng có hành vi phản ứng tiêu cực, la hét, đồng thời dứt khoát không nhận cáo trạng. Tuy nhiên, buổi tống đạt cáo trạng có mặt của luật sư bào chữa cho bị can, có mặt của đại diện cơ quan Công an, đại diện quản giáo trại tạm giam. Sau khi được giải thích, mất khoảng thời gian để bình tâm lại, Út ‘trọc” đã cúi đầu nhận cáo trạng. 

Trong giai đoạn xét xử vụ án, VKS Quân sự Trung ương chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án và ủy quyền cho VKS Quân sự Quân khu 7 thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, KSV hai cấp đã phối hợp, trao đổi thường xuyên về diễn biến vụ án. “Từ việc xét hỏi, tranh luận với luật sư, đối đáp của KSV, chúng tôi đều có sự phối hợp ăn ý và hỗ trợ lẫn nhau để bảo vệ quan điểm buộc tội các bị cáo của VKS. Tại phiên tòa, các bị cáo đã nhận tội và nhận mức án theo quy định của pháp luật” - KSV Đàm Thuận Công cho biết thêm. 

leftcenterrightdel
Út “trọc” đã đưa ra những lời có tính chất đe dọa điều tra viên!. Ảnh zing

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) và chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật, Đinh Ngọc Hệ đề nghị cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng ô tô biển kiểm soát quân sự, biển xanh, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn. Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp xe ô tô cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền, sau đó cho thuê xe. Đinh Ngọc Hệ còn lợi dụng danh nghĩa Công ty của quân đội để câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỉ đồng. Ngoài ra, vào khoảng năm 2000, Đinh Ngọc Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bằng đại học. Trong quá trình công tác, Đinh Ngọc Hệ đã nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ cán bộ, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm.…

Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 2 năm tù về Tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là 12 năm tù. Bản án phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.


Hà Nhân