Khi còn học phổ thông, tôi không hiểu nhiều về luật và ngành Kiểm sát nhân dân. Ước mơ của tôi là sau này sẽ thi vào trường sư phạm hay Trường đại học tổng hợp văn Hà Nội, để ra trường làm thầy giáo hoặc viết văn. Cho đến khi ở trong quân ngũ, một lần tôi nghe hai công nhân nông trường Vân Du (Thanh Hóa) tranh luận với nhau việc gì đó nhắc đến luật quy định vậy, tôi thầm nghĩ: sau này mình sẽ đi học luật. Nhưng học ở đâu, lúc đó tôi cũng chưa hình dung được…

Thế rồi, một lần đơn vị đi dã ngoại ở xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình) tình cờ hỏi thăm, tôi được biết ở Hà Nội có Trường đại học Pháp lý chuyên đào tạo về pháp luật. Thế là, tôi ôm giấc mộng thi vào trường Pháp lý từ đó.

Ra quân, tôi về học lại cấp III rồi thi vào Trường đại học Pháp lý Hà Nội. Tại trường, tôi được học về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân, tôi mới biết ngành Kiểm sát làm những gì. Nhưng lúc đó lại nghĩ : “Ra trường mình xin làm việc ở Tòa án hay ngành nào đó, chứ ngành Kiểm sát không có mối quen biết nào”.

Chuẩn bị ra trường, khi thực tập tốt nghiệp ở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, anh Bích, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nói với tôi, “sau này tốt nghiệp về đây làm việc”. Bác Quỳnh (thầy của bố tôi) bảo, bác đã nói với ông Thảo (thông gia với bác) là Giám đốc Sở Tư pháp nhận vào làm Thi hành án ở huyện. Bác Thiện ở Hà Nam cũng nói xin cho tôi vào làm ở Tòa án thị xã Hà Nam…Tôi chỉ cười, thầm cảm ơn mọi người. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chỉ chuẩn bị một bộ hồ sơ với ý định xin vào ngành Tòa án.         

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lê Đức Khanh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa. Ảnh tư liệu

Thế nhưng, do gia đình kinh tế khó khăn nên tôi quyết định ở nhà đóng gạch ba tháng bán lấy tiền xuống Thanh Hóa và ra Hà Nội. Cuối tháng 3 năm 1991, tôi vào TAND tỉnh Thanh Hóa gặp anh Bích, anh cho biết, khoảng tháng 5 tới đi làm. Tôi đón xe ra Trường đại học Pháp lý nhận bằng tốt nghiệp thì gặp thầy Nguyễn Hồng Hạnh (lúc đó là Phó Hiệu trưởng). Thầy bảo: “Viện Kiểm sát tỉnh Thừa Thiên Huế mới gửi công văn xin trường ta 10 người, em có đi thì xuống Văn thư lấy giấy giới thiệu”. Tôi vâng lời thầy, chào thầy rồi xuống Văn thư xin giấy giới thiệu, ra đi tàu vào Huế.

Chiều tối hôm sau vào đến Huế, tình cờ tôi gặp anh Lâm cùng quê đang công tác ở Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh cho biết, ở Huế lúc này ngành Tòa án và Sở Tư pháp thiếu rất nhiều cán bộ và  bảo tôi, nếu vào làm việc tại Tòa án hay Sở Tư pháp, anh xin cho. Tôi cười và cảm ơn anh đã quan tâm.

Sáng hôm sau, tôi cầm giấy giới thiệu đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế gặp anh Trần Đại Quang (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ). Anh dẫn tôi lên gặp chú Trần Viết Hường (Viện trưởng). Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng vào Viện Kiểm sát làm việc, chú cười gật đầu đồng ý rồi phê vào giấy giới thiệu của tôi và nói, tôi ra trường làm thủ tục chuyển vào đây công tác.

Tôi về nhà xin ý kiến bố mẹ để vào Huế công tác. Được bố mẹ đồng ý, tôi ra Trường đại học Pháp lý chuyển giấy tờ vào Huế gặp anh Quang. Anh làm giấy tiếp nhận tôi từ ngày 15/4/1991 và điều tôi về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Vang. Tôi trở thành cán bộ kiểm sát từ đó.

Trong công việc hàng ngày, tôi luôn ghi sâu lời Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và tích cực tham gia Cuộc vận động Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Vì vậy, 28 năm công tác trong ngành Kiểm sát (18 năm ở VKSND cấp huyện, 10 năm ở VKSND cấp tỉnh), tôi cảm thấy tự hào bởi mình đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát - công tâm và bản lĩnh.

Cái duyên của tôi với ngành Kiểm sát còn ở chỗ, từ khi vào Ngành đến nay, tôi chuyên làm án hình sự, các vụ việc tôi giải quyết đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức, quyền con người; bảo vệ pháp chế XHCN… 

Tôi luôn nghĩ: Mỗi một vụ án như một gia đình, một xã hội thu nhỏ. Nếu hòa mình vào trong đó mới hiểu được hoàn cảnh sống, môi trường sống, điều kiện giáo dục… của họ như thế nào dẫn đến con đường họ phạm tội. Từ đó, đưa ra những quyết định phù hợp.

Làm án cần có tâm sáng mới giải quyết vụ việc thấu tình, đạt lý. Vì cái tâm đó mà tôi đã giải quyết tốt nhiều vụ án phức tạp, bị can, bị cáo, các đương sự phải tâm phục, khẩu phục. Có thể kể một vài vụ án tôi đã tham gia giải quyết:

Vụ án Hồ A Kiêng phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Nội dung vụ án : Khoảng 19 giờ ngày 15/10/2012, trời tối và mưa, Hồ A Kiêng điều khiển xe mô tô chở bà Hồ Thị Đơm (mẹ ruột) đi làm rẫy về đến gần nhà thì rẽ vào đường ngược chiều để vào nhà. Lúc này, anh T vừa đổ xăng trong cây xăng xong lao ra đường tông vào xe của Kiêng, dẫn đến tai nạn làm anh T chết. Bà Đơm phải bán một lô rẫy bồi thường cho gia đình bị hại 70.000.000 đồng. Đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho Kiêng. TAND huyện A. Lưới xét xử, tuyên phạt Hồ A Kiêng 12 tháng tù. Hồ A Kiêng kháng cáo xin được hưởng án treo.

leftcenterrightdel
VKSND Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Bộ Chính trị. 

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi của Kiêng do đi vào đường ngược chiều là đúng, nhưng không xem xét nguyên nhân xảy vụ án có một phần lỗi là do T không quan sát đường, chạy với tốc độ cao tông vào xe của Kiêng, là thiếu sót. Hơn nữa, cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét đầy đủ đến nhân thân, hoàn cảnh của bị cáo để quyết định hình phạt cho phù hợp.

Cụ thể: Bị cáo là người dân tộc Pa Cô, cha đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng bị chết do nhiễm chất độc da cam, mẹ là Anh hùng lực vũ trang nhân dân. Bà trực tiếp tham gia 316 trận đánh, tiêu diệt hơn 300 lính Mỹ- Ngụy, bắt sống 8 tên, bắn rơi 2 máy bay, thu 25 khẩu súng các loại. Gia đình bà ủng hộ cho cách mạng hơn 218 thùng lúa.

Đặc biệt, bà là người có sáng kiến dùng nước lá ngón thả xuống suối cho giặc uống chết và là người đi đầu trong phong trào “bám đất, bám rừng” đánh giặc ở đèo Mẹ ơi huyện A Lưới, tỉnh Bình Trị Thiên. Vì thế, mọi người đặt cho bà cái tên “Nữ tướng rừng xanh”. Hiện bị cáo đã ly hôn chồng và nuôi một con nhỏ…

Tôi trăn trở, phân vân nhiều về vụ án này và tự hỏi: “Xử giam Hồ A Kiêng thì tác dụng giáo dục ở chỗ nào? Xử cho bị cáo hưởng án treo có ảnh hưởng gì đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm không? Với hành vi và nhân thân của bị cáo như vậy, xử giam có nghiêm khắc quá không? Vậy thì sự khoan hồng của pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với gia đình có công với cách mạng thể hiện ở đâu? Và mẹ bị cáo sẽ nghĩ gì”?... Thế rồi, tôi nêu quan điểm, xử tù giam Kiêng là không đúng với mục đích và tính nhân đạo của pháp luật XHCN. Do đó, tôi đề xuất lãnh đạo Viện Kiểm sát chấp nhận kháng cáo, xử bị cáo Kiêng 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Ngày xét xử, nhân lúc nghị án, cơ quan tố tụng đánh giá, tôi đã bày tỏ quan điểm thấu tình, đạt lý. Sau khi Tòa tuyên cho bị cáo hưởng án treo, tôi hỏi mẹ bị cáo, sao lại gọi dốc Mẹ ơi ? Bà bảo: “Do dốc cao nên khi bộ đội ta ở ngoài Bắc vào lên đến đỉnh dốc hay dừng lại gọi Mẹ ơi! Cái tên dốc Mẹ ơi! Ra đời từ đó”.

Nhìn bà dù hơn 70 tuổi, dáng người nhỏ nhắn không ai nghĩ đó là một anh hùng, là “Nữ tướng rừng xanh”. Tôi thầm cảm ơn công lao to lớn của bà đối với dân tộc ta và mong bà sống lâu hơn nữa, cảm ơn đồng bào Pa Cô lấy tên họ Hồ, một lòng theo Bác, theo Đảng làm nên cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến thắng lợi vẻ vang...

Hay trong vụ án Nguyễn Văn Q phạm tội: “Trộm cắp tài sản”. Lúc đầu, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cảm thấy hơi lúng túng. Lúng túng bởi Q thuê người, máy móc phá rừng mở 4 km đường trong thời gian gần hai tháng, không ai có ý kiến gì. Đến khi Q thuê người chặt hơn 12m3 gỗ thông của Hợp tác xã Hương Hồ II, thuê xe ô tô đến chở thì bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ. Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp huyện và tỉnh cho rằng, Q phạm tội: “Trộm cắp tài sản” nên thống nhất khởi tố Q về tội danh trên. Sau đó, TAND huyện xử Q mức án 9 tháng tù về Tội “Trộm cắp tài sản”. Q kháng cáo kêu oan. Một số tờ báo lúc đó cho rằng, Q khai hoang trồng rừng là có công, không có tội, việc xử Q là oan.

Nhận thấy, Q không phạm tội: “Trộm cắp tài sản” và cần phải làm rõ , bổ sung thêm một số chứng cứ nên tôi đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy án, Cơ quan điều tra mời liên ngành tố tụng huyện và tỉnh họp xác định, Q phạm tội gì? Liên ngành vẫn thống nhất Q phạm tội: “Trộm cắp tài sản”. Lý do: Q lén lút thuê người chặt trộm cây của Hợp tác xã. Khi hỏi ý kiến tôi, tôi nghĩ: Nếu mình nói theo quan điểm của mọi người thì “thuận buồm, xuôi gió”, nhưng vụ án sẽ không xử lý được, còn nói khác quan điểm đôi khi họ phản đối, nhưng vụ án mới giải quyết chính xác. Tuy nhiên, để việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôi đã phát biểu khẳng định Q phạm tội: “Hủy hoại tài sản”.

Lúc đầu, một số người phản đối, nhưng sau khi nghe tôi phân tích có căn cứ nên liên ngành chấp nhận thay đổi tội danh từ “Trộm cắp tài sản” sang tội “Hủy hoại tài sản”. Đến khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo không chối tội được...

Ngoài ra, cái duyên của tôi với ngành Kiểm sát còn thể hiện ở chỗ tôi viết lời 3 ca khúc về Ngành. Cả 3 ca khúc được Ngành chọn làm ca khúc truyền thống của Ngành trong cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành KSND. Mở đầu ca khúc: “Bài ca ngành Kiểm sát nhân dân”, tôi tự hào viết: “Vì Tổ quốc yêu thương. Vì quê hương đẹp giàu. Ngành Kiểm sát nhân dân. Nguyện vững bước đi đầu”.

Cái duyên của tôi đối với Ngành cũng là cái tâm, là bản lĩnh, lương tâm, trách nhiệm…trong mỗi công việc cụ thể. Tôi luôn cảm ơn Ngành vì đã cho tôi trưởng thành mỗi ngày và âm hưởng của ca khúc trên theo tôi suốt cuộc đời.

Với những kết quả, thành tích đạt được, nhiều năm qua, đồng chí Lê Đức Khanh được Lãnh đạo các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng:

Đồng chí 2 lần được Viện trưởng VKSND tối cao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành; được tặng Bằng khen về những thành tích trong Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; trong các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng; được tặng Bằng khen vì có những đóng góp trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, đồng chí còn được UBND tỉnh, VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng Giấy khen vì những thành tích trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; 3 lần được Hội Luật gia Việt Nam  tặng Bằng khen vì những đóng góp trong công tác xây dựng hội…

Kiểm sát viên Lê Đức Khanh còn là một "nhạc sĩ" của ngành Kiểm sát nhân dân. Anh đã viết nhiều ca khúc về ngành KSND được nhiều ca sĩ thể hiện...

PV


Lê Đức Khanh