Nói về tính chất phức tạp của vụ án này, Viện trưởng VKSND tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, số lượng bị hại đông, các đối tượng tham gia gây án có trình độ học vấn cao. Hơn nữa, bị hại, nhất là những nạn nhân nhờ các đối tượng này chuyển công tác đều có tâm lý e ngại, không muốn trình báo với cơ quan chức năng nên đã gây rất nhiều khó khăn cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình đấu tranh thu thập chứng cứ cũng như buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội.

leftcenterrightdel
Tập trung cao độ trí tuệ tập thể của cán bộ, Kiểm sát viên (ảnh lớn) trong quá trình đấu tranh với đối tượng Nguyễn Thị Mai Loan (ảnh nhỏ). 

Xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị tại địa phương, tập thể lãnh đạo VKS đã xin ý kiến của cấp ủy, báo cáo Ban Nội chính tỉnh cho ý kiến, quan điểm chỉ đạo về đường lối điều tra, xử lý vụ án. Với quan điểm chỉ đạo xử lý không có “vùng cấm” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử…đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Lãnh đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang đã huy động toàn bộ cán bộ, Kiểm sát viên  Phòng Thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX sơ thẩm án kinh tế và chức vụ tham gia vào quá trình lấy lời khai của các nạn nhân, tiến hành đối chất lời khai của các bị can. Trong đó, Kiểm sát viên chính được giao nhiệm vụ là Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà, giữ vai trò  “cầu nối” trong toàn bộ vụ án.

Trao đổi với PV, Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà cho biết: Đây là vụ án có thời gian giải quyết dài, kể từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến khi xét xử kéo dài tới hơn 1 năm. Quá trình đấu tranh với các đối tượng hết sức khó khăn, bởi vì, ngoài sự gian tham của đối tượng còn do số lượng bị hại đông, nhiều lúc ngay cả bị can cũng không nhớ hết tên của bị hại... Cùng với đó là tâm lý e ngại của bị hại nên các Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV) phải hết sức khéo léo vận động họ tố giác các đối tượng phạm tội.

Nói về bị can Hoàng Thu Hạnh, “kẻ ăn bẫm” nhất trong vụ án này, Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà cho biết: Đây là đối tượng có trình độ học vấn cao nhất trong đường dây tội phạm này và cũng là đối tượng có thái độ quanh co nhất, trong quá trình hỏi cung, đối tượng liên tục thay đổi lời khai, thường xuyên giả vờ nhớ nhớ, quên quên.

Trước thái độ ngoan cố cùng những hành vi xảo quyệt nhằm che giấu hoạt động phạm tội của mình, sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh, KSV Đào Thị Hồng Hà đã cùng các ĐTV tiến hành đối chất giữa bị can Hoàng Thu Hạnh với các bị can khác, bên cạnh đó, cho các nạn nhân, nhân chứng trực tiếp đối chất với bị can. Chính nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ này mà đối tượng Hoàng Thu Hạnh cũng như các đối tượng khác buộc phải cúi đầu nhận tội.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà công bố cáo trạng tại phiên tòa. 

Xét về tính chất của vụ án, Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà chia sẻ: Khi được phân công là Kiểm sát viên chính của vụ án này, bản thân chị cảm thấy rất nhiều lo lắng vì trong quá trình điều tra vụ án xuất hiện tới 15 bị can, hơn 100 đối tượng bị hại trải rộng ở các địa phương trong tỉnh, có bị hại còn ở tận Hà Giang hay Phú Thọ, địa chỉ cư trú không rõ ràng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, Kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX sơ thẩm án kinh tế và chức vụ đã giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ giải quyết vụ án này.

Quá trình bền bỉ đấu tranh, các ĐTV, KSV đã chứng minh được, khoảng thời gian từ 1/12/2016 đến tháng 6/2017, Hạnh trực tiếp nhận hồ sơ, tiền của 56 người với tổng số là 10,4 tỷ đồng (sau đây chúng tôi xin được làm tròn các con số - PV) để xin việc làm, chạy thi đỗ công chức, phúc khảo đỗ công chức, xin đi học, xin chuyển công tác… cho 61 người. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, có đủ cơ sở xác định: Hạnh chuyển cho bị can Nguyễn Thị Mai Loan hơn 5 tỷ đồng để lo việc cho 50 người. Hạnh chuyển cho bị can Trần Hoài Nam 350 triệu đồng để lo việc cho 2 người, Hạnh giữ lại 4,83 tỷ đồng; chi tiền công cho những người giới thiệu là 157 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền, Loan, Nam, Hạnh không lo được việc cho ai, trước khi khởi tố vụ án, Loan nộp học phí và trả tiền hỗ trợ học việc cho 7 người với tổng số tiền là 30,6 triệu đồng; Hạnh trả tiền hỗ trợ học việc cho 11 người với tổng số tiền là 100,7 triệu đồng; Loan trả lại cho Hạnh 1,42 tỷ đồng; Hạnh trả lại tiền cho 30 bị hại với tổng số tiền là 3,71 tỷ đồng. Sau khi khởi tố vụ án, bị can Trang trả lại cho bị hại Đinh Thị Cứu 15 triệu đồng; Nam trả lại cho Hạnh 350 triệu đồng; Hạnh đã trả lại cho 2 bị hại 350 triệu đồng. Số tiền Hạnh chưa trả cho các bị hại là 6,19 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Nguyễn Thị Mai Loan và Hoàng Thu Hạnh. 

Ngoài ra, Hạnh nhận hồ sơ, tiền của các bị can, sau đó chuyển cho bị can Nguyễn Thị Mai Loan và bị can Trần Hoài Nam, tổng cộng: Hạnh nhận của các bị hại và các bị can với tổng số tiền là 12,43 tỷ đồng để xin việc làm, chạy thi đỗ công chức, phúc khảo đỗ công chức, xin đi học, xin chuyển công tác... cho 71 người. Hạnh chuyển cho bị can Loan 5,89 tỷ đồng để lo việc cho 48 người; chuyển cho bị can Nam 450 triệu đồng để lo việc cho 3 người. Hạnh giữ lại 5,9 tỷ đồng và 12 hồ sơ xin việc. Chi tiền công cho những người giới thiệu là 189 triệu đồng.

Trước khi khởi tố vụ án, Loan nộp tiền học phí và trả tiền hỗ trợ học việc cho 7 người với tổng số tiền là 30,6 triệu đồng; Hạnh trả tiền hỗ trợ học việc cho 11 người với tổng số tiền là 106,3 triệu đồng; Loan trả lại cho Hạnh 1,4 tỷ đồng; Hạnh trả lại hết tiền cho 21 người bị hại; một phần tiền cho 8 bị hại và 2 bị can với tổng số tiền là 3,95 tỷ đồng. Sau khi khởi tố vụ án, Hạnh trả lại hết tiền cho 1 bị hại, và một phần tiền cho 1 bị hại và 1 bị can với tổng số tiền là 465 triệu đồng. Nam trả lại cho Hạnh 450 triệu đồng. Hiện tại, số tiền Hạnh chưa trả cho các bị hại và các bị can được xác định là 7,8 tỷ đồng. Loan chưa trả cho Hạnh 4,43 tỷ đồng. 

Có thể nói, đây là vụ án lừa đảo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay xảy ra ở Tuyên Quang, nói về dư âm của vụ án, nhiều người thường nhắc đến một phiên tòa có đông người tham gia theo dõi và ấn tượng với một nữ Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại Tòa với bản luận tội đầy thuyết phục. Tuy nhiên, ít ai biết phía sau bản án đó là những giọt mồ hôi lặng thầm của lực lượng KSV, ĐTV, thẩm phán, những người góp phần bảo vệ công lý.

Được lãnh đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang giao nhiệm vụ là Kiểm sát viên chính trong vụ án này, Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà xác định rằng, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là dịp thử thách bản lĩnh về nghiệp vụ, thể hiện sự trân quý của các đồng chí, đồng nghiệp đối với mình. Chính vì vậy, bằng sự kiên trì, nỗ lực của bản thân Kiểm sát viên kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, trí tuệ tập thể của Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế và chức vụ - VKSND tỉnh Tuyên Quang, từng nút thắt của vụ án cũng dần được sáng tỏ, đối tượng Nguyễn Thị Mai Loan và Hoàng Thu Hạnh  đã phải cúi đầu nhận tội...


Với mác là giáo viên trung học phổ thông, thông qua mối quan hệ xã hội, Nguyễn Thị Mai Loan (trú tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) quen biết với Hoàng Thu Hạnh (trú tại phường Tân Hà) và Nguyễn Văn Quế (trú tại  phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang). Từ mối quan hệ tay ba này, một đường dây lừa đảo chạy việc làm, chuyển công tác với quy mô rất lớn xuất hiện và hoành hành trong một thời gian ở tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.

Xuân Hưng