Bỗng nhiên “nổi tiếng” vì "tai tiếng"

Tại diễn đàn “Thông tin trung thực qua góc nhìn doanh nhân”  trong dịp Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí  cách mạng Việt Nam được tổ chức mới đây, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food còn nhớ rõ trường hợp xảy ra với chính công ty bà quản lý.

Vào năm 2016, bỗng dưng một ngày có nhiều báo đưa tin có lô hàng của Sài Gòn Food xuất khẩu vào thị trường Úc bị nhiễm kháng sinh. Theo bà Lâm, đây là thông tin không chính xác nhưng lại lan tỏa rất nhanh và khiến công ty lúc đó lúng túng. Dù đã xử lý ổn thỏa nhưng sự cố này cũng khiến doanh nghiệp phải suy nghĩ về cách xử lý các rủi ro về thông tin không trung thực trên báo chí.

Với vai trò Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, bà Lý Kim Chi kể rằng, từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong hội xử lý các trường hợp tương tự. Đặc biệt là sự cố nước nắm truyền thống có chứa asen khoảng 2 năm trước. Bà Lý Kim Chi kể rằng, nếu không xử lý kịp thời sự cố nước nắm truyền thống có chứa Asen khoảng 2 năm trước, có thể hơn 2 triệu lao động phải mất việc ngay.

leftcenterrightdel
 Nhà báo tác nghiệp tại các sự kiện.

Lúc đó, hầu hết các siêu thị đều yêu cầu doanh nghiệp dọn hết hàng về. Bà Chi phải tức tốc gởi công văn giải trình và nhờ các báo vào cuộc hỗ trợ. Ngay hôm sau, hơn 40 tờ báo vào cuộc. Sau đó Thủ tướng nắm được tình hình và chỉ đạo hỗ trợ. Ngành nước mắm truyền thống nhờ đó mà được cứu nguy kịp lúc.

Cũng bỗng nhiên nổi tiếng, ông Nghiêm Quang Minh, hiện đang là Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và dịch vụ Tân Minh Phát (quận Thanh Xuân Thành phố Hà Nội) phản ánh về việc liên tục bị một số Tạp chí và trang mạng xã hội viết bài không đúng sự thật về hoạt động của công ty. Là một Cty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, trong nhiều năm hoạt động ổn định và được đông đảo khách hàng bà con tìm hiểu quan tâm, tin tưởng sử dụng. Về mặt xã hội, công ty của ông Minh còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp một phần nhỏ của sự phát triển Thủ đô và đất nước.Việc xây dựng nhà ở, công ty ông đã tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho nhưng người lao động có thu nhập thấp, để họ được hưởng những chính sách ưu đãi như con cái làm việc và học hành của Thành phố Hà Nội.  

Ông Minh bộc bạch, công ty luôn sẵn sàng tiếp đón và tạo điều kiện tốt nhất đối với các cơ quan báo chí đến tìm hiểu với tinh thần xây dựng, thẳng thắn hợp tác để phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số Tạp chí và trang mạng xã hội đã có những bài viết hạ thấp uy tín của doanh nghiệp. Từ một công trình xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đầy đủ nhưng các cơ quan Tạp chí, trang mạng xã hội này vẫn quy chụp cho rằng Công ty đã xây dựng sai phép.

leftcenterrightdel
 Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị đưa tin bất lợi, không trung thực.

Đồng thời, trong nội dung bài viết còn nêu đầy đủ họ tên, địa chỉ hộ khẩu thường trú của cá nhân ông Minh chi tiết đến cả năm sinh vi phạm đến quyền cá nhân.

Nội dung các bài viết trên phản ánh không đúng bản chất sự việc, chỉ thông tin một chiều làm ảnh hưởng đến hoạt động của cá nhân và công ty cùng các cấp chính quyền sở tại gây hiểu sai sự việc, gây hoang mang trong dư luận. Theo ông Minh, việc này không những chỉ để các đơn vị quản lí báo chí định hướng các cơ quan báo chí thông tin theo đúng tôn chỉ mục đích, khách quan, xây dựng và tạo điều kiện để cá nhân, doanh nghiệp hoạt động bớt khó khăn sau khi dịch COVID- 19 vừa đi qua.

Căn cứ các nội dung của các báo trên, ông Minh thấy các Tạp chí trên đã vi phạm Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nên ông Minh đã làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Ông Minh đã làm đơn đến các cơ quan quản lý báo chí như Vụ Báo chí và Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lí theo quy định.

Ứng phó khi bỗng nhiên… nổi tiếng

Nhiều ý kiến cho rằng, đôi khi sai phạm trong việc đưa thông tin của nhà báo cũng bắt nguồn từ động cơ của chính doanh nghiệp khác, mượn báo chí để nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh, che dấu những sai phạm của doanh nghiệp mình... Vì vậy, khi gặp trường hợp bị đưa tin không chính xác, doanh nghiệp trước tiên xác định báo đăng tin có phải báo chính thống hay không.

Kế đến xác định xem có phải do người viết chưa nắm rõ thông tin hay cố tình đưa tin sai lệch. Nếu là báo chính thống, doanh nghiệp nên gửi văn bản kèm các bằng chứng cụ thể đến cơ quan báo chí để đính chính thông tin. Nếu xác định rõ là thông tin bị cố ý bẻ cong, doanh nghiệp cần gởi thêm phản ánh đến cơ quan chức năng, đồng thời họp báo để đính chính với nhiều cơ quan báo chí chính thống.

Nếu xác định bị ảnh hưởng bởi thông tin không chính xác, doanh nghiệp có thể áp dụng một số điều luật để đòi lại quyền lợi. Cụ thể, doanh nghiệp có thể dựa theo Điều 34 (Luật Dân sự 2015) để kiện ra tòa về đưa tin không chính xác. Ngoài ra, có thể vận dụng Luật Báo chí để yêu cầu đính chính thông tin.

Để ứng phó với thông tin sai lệch trên mạng xã hội, doanh nghiệp nên dựa vào Luật An ninh mạng, Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử lý những trường hợp này và đã xử lý khá nhiều. Đồng thời, cần kết hợp việc đính chính thông tin với báo chí chính thống qua họp báo. Dù đọc mạng xã hội nhiều nhưng độc giả vẫn tin báo chí chính thống hơn mạng xã hội.

Để xử lý rủi ro thông tin sai từ mạng xã hội, theo kinh nghiệm của nhiều người, phải đính chính thông tin trên mạng xã hội ngay trong vòng 24 giờ. Kế đến, cần lập vi bằng về những thông tin sai lệch và gửi đến Phòng cảnh sát Hình sự (Công an TP.HCM) để nhờ xử lý. Trong 48 giờ tiếp theo phải họp báo ngay. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần gởi thông tin thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông trước khi họp báo 3 ngày mà không cần văn bản đồng ý. Khi qua mất 72 giờ vàng này, việc xử lý cũng không còn ý nghĩa nữa.

Doanh nghiệp cũng có thể gởi đơn khiếu nại đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, áp dụng Điều 77 Luật Cạnh tranh. Hoặc có thể vận dụng Luật An ninh mạng năm 2018, nhờ lực lượng này ngăn chặn sự lan truyền những thông tin sai lệch.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty TNHH Luật Trường Lộc), việc thực hiện hành vi vi phạm thông tin sai sự thật trong báo chí, căn cứ quy định tại điểm a khoản 5 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, đơn vị báo chí có thể bị xử phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Đồng thời, bị xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 3 tháng và phải khắc phục hậu quả như buộc cải chính, xin lỗi.

Còn trong trường hợp, các bài báo vi phạm khoản 2, Điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và vi phạm điểm b, khoản 2 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: Vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định

Ngoài bị xử phạt tiền về hành chính nếu tình tiết nặng hơn sẽ áp dụng vào Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Trong bối cảnh xã hội “tràn lan” thông tin như hiện nay, khi có nhiều kênh thông tin, nhiều cách tiếp cận thông tin, việc “bỗng nhiên” thành người nổi tiếng rất dễ xảy ra, vì vậy mỗi người dân, các doanh nghiệp nên trang bị cho mình kiến thức cơ bản về pháp luật để tự bảo vệ mình.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng danh nghĩa báo chí “làm khó” doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: Nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Một tin nhạy cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn hại lợi ích của ai đó trong chớp mắt có thể gây bão trên mạng xã hội. Báo chí không thể “theo đuôi” mạng xã hội, trở thành phương tiện lan truyền tin giả, tin xấu độc. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi: Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan toả. Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Đây là việc cực kỳ khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mỏng manh.

leftcenterrightdel
Nhà báo Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh về việc cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp mạnh để quản lý những bài báo không trung thực. (ảnh st)

Theo Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, việc hàng loạt Tạp chí thực hiện sai tôn chỉ mục đích chuyên viết bài "đánh đấm", đơn thư bạn đọc, điều tra cho đến lợi dụng danh nghĩa báo chí để dọa dẫm doanh nghiệp, vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp cùng Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT đưa ra những giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng này.

Theo tôi những tiêu cực trong hoạt động báo chí xuất phát từ việc không tôn trọng hoạt động nghề nghiệp, không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của đơn vị báo chí được ghi trong giấy phép. Thời gian qua tình trạng này đang diễn biến phức tạp không chỉ ở các tạp chí mà còn ở các báo. Do đó cần siết chặt việc các tạp chí làm không đúng tôn chỉ mục đích. Người quản lý báo chí, xã hội và doanh nghiệp cũng phải hiểu để thực hiện cho đúng. Việc này đòi hỏi phải công khai việc cấp phép, ghi rõ tôn chỉ mục đích các báo, các tạp chí lên không gian mạng để kiểm soát bằng điện tử.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức người làm báo, tăng cường quản lý phóng viên. Ví dụ một tờ Tap chí nghiên cứu khoa học nhưng đến cơ sở về việc nhà đổ, cháy nhà, về xây dựng thì các cơ quan có quyền từ chối cung cấp thông tin vì không đúng tôn chỉ mục đích và giấy phép.

Ông Minh chia sẻ thêm: Đối với Ban kiểm tra, khi có thông tin phản ánh bằng văn bản về tiêu cực, hù dọa doanh nghiệp để thu lời bất chính, nếu xác minh đúng Ban sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý hội viên theo đúng chức năng quy định

Thời gian qua, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 tạp chí điện tử với số tiền lên tới gần 500 triệu đồng. Các vi phạm phổ biến là đăng tải thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động.

 

Nhóm PV