Sáng 11/6, dưới sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”.

Tham gia Diễn đàn, về phía Hội Nhà báo Việt Nam có ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. 

Về phía các cơ quan quản lý báo chí có ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT); ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí  - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương.  

Về phía ban tổ chức, có ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; bà Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận và gần 30 đại biểu là Tổng biên tập các cơ quan báo chí trong cả nước. Ngoài ra, chương trình còn thu hút được đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đến đưa tin. 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Nhiều cơ quan báo chí hiện phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Việc sụt giảm nguồn thu là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” sẽ làm báo chí xa rời chân lý giá trị của nghề báo.

Đặc biệt, các kênh quảng cáo số, facebook, google… đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu.

 

leftcenterrightdel
Theo ông Phúc, nhiều cơ quan báo chí hiện phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành. ( ảnh: Minh Nhật) 

 

“Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức các sự kiện, sản xuất nội dung cho google, facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác”- ông Phúc cho hay.

Chia sẻ về những khó khăn của báo chí, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận cho biết, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, nhất là những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch COVID-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí. Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể, còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa.

Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm trong nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời”- ông chia sẻ.

leftcenterrightdel
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tìm giải pháp để phát triển báo chí. (ảnh: Minh Nhật)

Còn ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, hiện nay bức tranh kinh tế báo chí đang rất ảm đạm. Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng báo chí. Để khắc phục vấn đề này, ông Sơn kiến nghị một số nội dung như: Nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet (từ những bạn đọc báo điện tử); tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.

Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn hoặc thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi…

leftcenterrightdel
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, các cơ quan báo chí cần phải tự đổi mới, "lột xác" mới có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay. ( ảnh: Minh Nhật) 

Phát biểu kết luận, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, việc giảm nguồn thu đã làm cho các cơ quan báo chí gặp khó khăn, không đủ chi phí nguồn lực để duy trì hoạt động cần thiết… Đây là nguyên nhân nảy sinh ra việc vi phạm Luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm ảnh hưởng của báo chí đối với đời sống xã hội.

Ông cũng đồng tình với các ý kiến về việc điều chỉnh các chính sách của nhà nước cho phù hợp với báo chí như: giảm thuế, miễn thuế và không thu thuế giá trị gia tăng đối với các cơ quan báo chí. Đồng thời làm rõ cơ chế khi nào là đặt hàng báo chí và khi nào là giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, theo ông, các cơ quan báo chí cần phải năng động, sáng tạo, tự đổi mới, "lột xác" mới có thể tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Minh Nhật