Về phía VKSND tối cao có các đồng chí: Hoàng Thị Huỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14 chủ trì Hội thảo, Vũ Thị Hải Yến - Vụ trưởng Vụ 13, Nguyễn Xuân Hà - Phó Vụ trưởng Vụ 14.
Đại diện Dự án JICA có ông Yokomaku Kosuke - Cố vấn trưởng, công tố viên Nhật Bản.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND TP HCM Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Văn Tấn; Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Phúc; Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương Ngô Xuân Thành.
Cùng dự Hội thảo có lãnh đạo phòng, KSV Vụ 13, Vụ 14 VKSND tối cao, các đồng chí lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra CA TP HCM, Cơ quan CSĐT CA TP HCM, cùng đại diện lãnh đạo phòng 1, 2, 3, 7, Văn phòng VKSND TP HCM, lãnh đạo viện và KSV làm công tác thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm của VKSND 24 quận, huyện TP HCM và đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai.
|
|
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Thị Huỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao nêu, mục đích xây dựng cuốn Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố được xây dựng nhằm cung cấp trình tự, cách thức, kỹ năng cho Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố; nhất là đối với các đồng chí mới bước đầu tiếp cận công tác của ngành Kiểm sát nhân dân thì đây là một cuốn cẩm nang không thể thiếu, giúp thực hiện đúng, đầy đủ các thao tác nghiệp vụ cần thiết khi giải quyết một vụ án hình sự theo quy định tại các bộ luật, luật, thông tư liên tịch, quy chế, quy định,…. Đây là cuốn Sổ tay có tính khái quát, mang tính tổng hợp và là những chỉ dẫn về nghiệp vụ, không thay thế cho các quy định của luật, các hướng dẫn của các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền, VKSND tối cao ban hành sau khi các đạo luật về tư pháp được thông qua.
|
|
Đại diện Dự án JICA, ông Yokomaku Kosuke - Cố vấn trưởng, công tố viên Nhật Bản tại Hội thảo. |
Trên cơ sở tiếp thu điều chỉnh theo các ý kiến tại 2 cuộc Hội thảo (lần 1 tại Hà Nội và lần 2 tại Hòa Bình), Vụ 14 VKSND tối cao đã chỉnh lý, xây dựng cuốn Sổ tay gồm 05 chương, cơ bản đi theo bố cục của BLTTHS đó là:
Chương I, một số vấn đề chung về THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, đưa ra những căn cứ pháp lý và nội dung công việc chính, trong đó có các kỹ năng THQCT, kiểm sát đối với một số hoạt động có thể được áp dụng trong giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố;
Chương II, THQCT, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, bắt đầu từ chương này, tập trung nhấn mạnh các kỹ năng cho từng giai đoạn cụ thể của tố tụng hình sự, theo trình tự quy định tại BLTTHS năm 2015.
Chương III, THQCT, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, trong chương này, nêu căn cứ pháp lý và nội dung các công việc chính của KSV, trong đó có các kỹ năng thực hiện trong toàn bộ hoạt động điều tra.
Chương IV, THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, nêu căn cứ pháp lý và nội dung các công việc chính của KSV, trong đó có kỹ năng thực hiện trong giai đoạn truy tố.
Chương V, THQCT, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn, đề cập đến các kỹ năng khi KSV giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện, căn cứ luật định, nhằm giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời và tiết kiện thời gian theo đúng quy định của pháp luật.
|
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Hà - Phó Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng chí Hoàng Thị Huỳnh Chi thông tin tại Hội thảo, những nội dung của Sổ tay Kiểm sát viên THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố thực hiện theo tiêu chí: ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện đầy đủ các quy định pháp luật và quy định, quy chế của Ngành cần áp dụng và các hoạt động KSV phải tiến hành trong khi thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm KSV dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu để vận dụng. Không chép lại các quy định có trong luật, thông tư, quy chế đã được quy định rất rõ, để tránh trùng lặp và dài dòng.
Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao đề nghị các đồng chí tại Hội thảo tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến vào đề cương một số nội dung: Dự kiến sắp xếp trong đề cương đã hợp lý chưa?, đã đầy đủ các hoạt động của KSV khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố hay chưa?. Còn thiếu nội dung, vấn đề gì cần bổ sung hướng dẫn?; Có nội dung nào vướng mắc trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của KSV trong quá trình THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố cần đề cập, hướng dẫn để áp dụng thống nhất?; Có cần bổ sung thêm chỉ dẫn đối với các trường hợp cụ thể (Ví dụ: chỉ dẫn kỹ năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi?. Những tình huống có thể phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự cụ thể?).
Hội thảo diễn ra trong một ngày, dành phần lớn thời gian cho các đơn vị tham gia đóng góp ý kiến, nhằm giúp hoàn thiện cuốn Sổ tay Kiếm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố xét xử được chuẩn xác hơn, phục vụ cho các KSV trong ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.