Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Sổ tay Kiểm sát viên Thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố đồng thời đang tiếp tục đề nghị các đơn vị trong ngành Kiểm sát góp ý đối với dự thảo cuốn Sổ tay trên.

Theo đó, Sổ tay Kiểm sát viên THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố có 5 Chương, gồm: Một số vấn đề chung về THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Chương 1); THQCT, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự (Chương 2); THQCT, kiểm sát điều tra vụ án hình sự (Chương 3); THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố (Chương 4) và THQCT, kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút gọn (Chương 5). 

Theo VKSND tối cao, cuốn Sổ tay được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến trực tiếp từ các KSV VKSND tối cao và các KSV có kinh nghiệm về THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ở VKSND cấp tỉnh, huyện tại các cuộc Hội thảo với sự hỗ trợ và phối hợp của cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (dự án JICA); đồng thời, tổ chức xin ý kiến trong toàn ngành KSND.

Cuốn Sổ tay đã trình bày đầy đủ, chính xác về căn cứ pháp lý, chỉ dẫn phù hợp về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tố tụng hình sự và các quy định của Viện trưởng VKSND tối cao; chỉ rõ các nội dung công việc, kỹ năng, thao tác mà KSV cần thực hiện trong quá trình THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố để KSV thống nhất về mặt nhận thức, nắm bắt, vận dụng, áp dụng pháp luật được đúng đắn, chính xác và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đào Xuân Anh về tội "Chống người thi hành công vụ".

Liên quan đến việc kiểm sát việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, dự thảo Sổ tay đã nêu rõ các nội dung công việc cụ thể. Theo đó, trường hợp khi nhận được thông tin CQĐT tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã hoặc CQĐT trực tiếp thực hiện việc bắt người trong những trường hợp này thì KSV phải thực hiện các hoạt động gồm: Kiểm tra biên bản bắt giữ người của CQĐT, biên bản tiếp nhận người bị bắt của Cơ quan công an hoặc UBND nơi đã tiếp nhận người bị bắt, biên bản giao, nhận người bị bắt giữa các cơ quan này với CQĐT có thẩm quyền theo đúng quy định tại khoản 3 các điều 111 và 112, Điều 115, Điều 133 BLTTHS.

Kiểm tra người bị bắt, hành vi phạm tội của họ có đúng căn cứ thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc đúng là người đang có quyết định truy nã theo quy định tại các điều 111 và 112 BLTTHS.

Kiểm sát việc thực hiện các hoạt động ngay sau khi nhận người bị bắt của CQĐT (như việc lấy lời khai; việc thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt; việc ra quyết định tạm giữ, gia hạn tạm giữ và đề nghị VKS phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ đối với người bị bắt;...); việc ra quyết định đình nã của CQĐT đã ra quyết định truy nã sau khi nhận người bị bắt; việc ra lệnh tạm giam và đề nghị VKS phê chuẩn lệnh tạm giam đối với người bị bắt theo quyết định truy nã... phải đúng theo quy định tại Điều 114 BLTTHS.

Kiểm tra việc thông báo của CQĐT về việc bắt người, nhận người bị bắt cho gia đình, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết theo đúng quy định của Điều 116 BLTTHS.

Sau khi tiến hành kiểm tra, nếu thấy CQĐT chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các hoạt động nêu trên, thì KSV báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu CQĐT khắc phục, thực hiện hoặc thu thập, bổ sung các tài liệu, chứng cứ để bảo đảm có đủ căn cứ bắt và tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo đối với người bị bắt.

Trường hợp xét thấy việc bắt, tiếp nhận người bị bắt của CQĐT là không đúng người hoặc không có căn cứ thì KSV báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT thực hiện các thủ tục tố tụng để trả tự do ngay cho người bị bắt.

Trường hợp thấy việc bắt, tiếp nhận người bị bắt của CQĐT là không đúng thẩm quyền thì yêu cầu CQĐT đã bắt, tiếp nhận người bị bắt phải thực hiện ngay các thủ tục tố tụng cần thiết để chuyển người bị bắt cùng hồ sơ, tài liệu liên quan cho CQĐT có thẩm quyền giải quyết.

Về một số lưu ý, dự thảo Sổ tay nêu rõ, với trường hợp CQĐT nhận người bị bắt theo quyết định truy nã không phải là CQĐT có thẩm quyền giải quyết vụ án, mà cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì CQĐT nhận người bắt là cơ quan có trách nhiệm ra quyết định tạm giữ (sau khi lấy lời khai người bị bắt), sau đó thông báo cho cơ quan đã ra lệnh truy nã biết.

Nếu hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan đã ra lệnh truy nã vẫn chưa đến nhận thì CQĐT nhận người bị bắt ra quyết định gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định này kèm tài liệu liên quan cho VKS cùng cấp để xét phê chuẩn, đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra lệnh truy nã biết. Trường hợp hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà vẫn không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra lệnh tạm giam, chuyển VKS cùng cấp với cơ quan này để xét phê chuẩn; sau đó, gửi lệnh tạm giam và quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam đó cho CQĐT nhận người bị bắt để giải người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 114 BLTTHS.

Đối với trường hợp người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã được đưa đến VKS thì KSV tiến hành thủ tục tiếp nhận người bị bắt theo quy định tại khoản 1 Điều 111 và khoản 1 Điều 112 BLTTHS.

Cụ thể, kiểm tra người bị bắt, vũ khí, hung khí và tài liệu, đồ vật có liên quan kèm theo; kiểm tra căn cứ bắt.

Lập biên bản tiếp nhận người bị bắt theo đúng quy định tại Điều 111, Điều 112, Điều 115, Điều 133 BLTTHS và theo Mẫu của VKSND tối cao ban hành.

Sau đó, thông báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền đến nhận người bị bắt; lập biên bản giao, nhận người bị bắt với CQĐT, có đủ nội dung quy định tại Điều 115, Điều 133 BLTTHS và theo Mẫu của VKSND tối cao ban hành, đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án; lưu hồ sơ kiểm sát.

P.V