Phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của công chức, viên chức

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế quy định về hình thức, nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và việc quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của VKSND.

Quy chế áp dụng đối với: Các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp huyện.

Công chức thuộc các điểm a, b khoản 1 Điều 2 của Quy chế; viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc VKSND tối cao; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ Viện kiểm sát quân sự các cấp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các quy định tương ứng tại Quy chế này.

Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, Quy chế nêu rõ: Trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức; góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị và năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của ngành KSND.

Thực hiện cơ chế phân công, phân cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của ngành KSND; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp Viện kiểm sát, từng đơn vị, cá nhân và cơ chế phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kiến tập. (Ảnh minh hoạ)

Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của công chức, viên chức.

Việc chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi học bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và hiệu quả.

Cụ thể về điều kiện đào tạo đại học, sau đại học

Theo Quy chế, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua thực hành công việc.

Về điều kiện đào tạo đại học, sau đại học, Quy chế quy định: Công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ đại học thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Ngành.

Đối với công chức: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.

Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, trừ trường hợp theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Đối với viên chức: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo

Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, trừ trường hợp theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND gồm 5 chương, 37 điều quy định về các nội dung gồm: Đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành Kiểm sát; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và giảng viên; đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; quyền lợi, trách nhiệm của công chức, viên chức; quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng; xử lý vi phạm...

P.V