Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Tất Hiếu, Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh, ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc đã chọn công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, khâu công tác đột phá hàng năm để quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp.

Do đó, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ xây dựng Chuyên đề để tổng kết thực tiễn, đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên.

leftcenterrightdel
 

Hội nghị đã nghe và thảo luận về Báo cáo chuyên đề này. Báo cáo được xây dựng chi tiết, công phu trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng số 326 bài phát biểu của Kiểm sát viên VKS hai cấp (thời điểm từ ngày 12/2018 đến tháng 9/2019); đã chỉ rõ thực trạng chất lượng các bài phát biểu, những ưu điểm và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra những giải pháp thiết thực, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của Lãnh đạo VKS hai cấp trong công tác chỉ đạo điều hành và năng lực, trình độ, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc xây dựng, thực hiện bài phát biểu tại phiên tòa, phiên họp.

Đặc biệt, Báo cáo đã tổng kết và hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản trong xây dựng từng nội dung của bài phát biểu và kỹ năng xây dựng bài phát biểu của từng loại vụ, việc cụ thể… Đây là những nội dung quan trọng, trở thành cẩm nang để Kiểm sát viên VKS hai cấp nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp tích cực trong đó quan trọng nhất là giải pháp về quản lý chỉ đạo, điều hành, đồng chí Viện trưởng phải là người trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo.

Hai là, Lãnh đạo, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp vì đó là kết tinh của cả quá trình nghiên cứu hồ sơ, thể hiện năng lực, trình độ của Kiểm sát viên và cũng là thể hiện uy tín, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trước nhân dân. Do đó, Lãnh đạo các đơn vị phải phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ 100% phiên tòa, phiên họp theo quy định. Đối với những vụ, việc phức tạp phải phân công Kiểm sát viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoặc trực tiếp lãnh đạo phải tham gia...

Ba là, Trưởng phòng 9, phòng 10 và Viện trưởng VKS cấp huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, thực hiện chuyên đề, phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế. Phòng nghiệp vụ cần tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên, đối với những đơn vị có tồn tại, hạn chế đã nêu nhưng không khắc phục, tiếp tục để xảy ra tồn tại cần thông báo rút kinh nghiệm và xem xét để đánh giá thi đua đối với tập thể, cá nhân ở đơn vị đó.  

Bốn là, Lãnh đạo phụ trách, phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng tổng hợp và các phòng nghiệp vụ tiếp tục theo dõi, đánh giá chặt chẽ kết quả thực hiện Chuyên đề này cũng như chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự để khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Đối với những cán bộ, Kiểm sát viên làm tốt khâu công tác này cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách ưu tiên để đề bạt quy hoạch, bổ nhiệm theo đúng chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao.

Nguyễn Thị Việt Hà