Vai trò của yêu cầu điều tra 

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3, khoản 7 Điều 14 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; khoản 6 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là “Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội”.

Yêu cầu điều tra có vai trò hết sức quan trọng, định hướng cho Điều tra viên trong việc thu thập, củng cố chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng của vụ án, bảo đảm cho việc điều tra vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Việc đề ra yêu cầu điều tra cũng thể hiện rõ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT  thì Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong suốt quá trình điều tra vụ án hình sự. 

leftcenterrightdel
VKSND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại Cơ quan CSĐT Công an huyện.  
Ảnh minh họa 

Yêu cầu điều tra có thể được thực hiện nhiều lần, bằng lời nói trong trường hợp kiểm sát trực tiếp hoạt động điều tra hoặc bằng văn bản. Yêu cầu điều tra phải nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát.

Đối với vụ án thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không cần thiết phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản. Trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, trọng điểm, phức tạp; vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án có bị can là nhân sỹ, trí thức, chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín thuộc dân tộc thiểu số và trường hợp xét thấy có thể phải thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì trước khi ký văn bản đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện (Quy chế 111 ). 

Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên theo quy định tại Điều 167 BLTTHS năm 2015 và khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.

Một số vướng mắc và kiến nghị

Thực tiễn thực hiện quy định về đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, về hiệu lực của yêu cầu điều tra:

Tại Điều 167 BLTTHS năm 2015 quy định về Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS trong giai đoạn điều tra như sau:

“1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS trong giai đoạn điều tra.

2. Đối với quyết định quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 165 của Bộ luật này nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với VKS cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra hoặc trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.”
Với quy định trên thì dù không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện yêu cầu điều tra mà không có quyền kiến nghị với VKS cấp trên như các quyết định quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 165 BLTTHS năm 2015.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT quy định trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của VKS thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra. Quy định này trái với quy định tại khoản 1 Điều 167 BLTTHS năm 2015. 

Để khắc phục hạn chế trên, chúng tôi đề xuất bỏ quy định “Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của VKS thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra” tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT.
Thứ hai, có phải đề ra yêu cầu điều tra đối với tất cả các vụ án hình sự?

Việc đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 và khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015. Với quy định của BLTTHS năm 2015 thì không rõ Kiểm sát viên có phải đề ra yêu cầu điều tra đối với tất cả các vụ án hình sự?

Trong khi đó, tại điểm d khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: Viện kiểm sát chỉ đề ra yêu cầu điều tra khi cần thiết. Tại khoản 1 Điều 47 Quy chế số 111 quy định trường hợp thấy có những vấn đề cần điều tra mà Điều tra viên chưa thực hiện thì Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra. 

Trong Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) cũng không bắt buộc VKS phải yêu cầu điều tra đối với tất cả các vụ án (tỉ lệ giữa số vụ án Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết mà Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu điều tra trên tổng số vụ án Cơ quan điều tra đã thụ lý giải quyết, đạt ít nhất 90%).

Chính vì vậy, theo chúng tôi, cần sửa đổi khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 theo hướng VKS chỉ đề ra yêu cầu điều tra khi cần thiết, như sau: “Khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội”.

Nguyễn Cao Cường