Theo Bộ Công an, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, cùng với những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, do đó việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Về bố cục, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 64 điều. Trong đó đã quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người.

Các nguyên tắc bao gồm: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

Giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật thông tin và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.

Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, pháp luật, tập quán quốc tế; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, thỏa thuận, điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên ký kết, tham gia.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, thỏa thuận, điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Bảo đảm người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ.

Về trách nhiệm của VKSND, TAND, Điều 57 dự thảo Luật quy định, VKSND, TAND trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. 

Cùng với đó, VKSND tối cao chủ trì thực hiện việc thống kê tội phạm mua bán người và là cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự về phòng, chống mua bán người.

P.V